Theo hãng tin ABC News, đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới dường như bỏ qua cho châu Phi khi số ca nhiễm tại đây giảm mạnh đến mức các nhà khoa học cũng chẳng hiểu lý do vì sao.
Với tỷ lệ tiêm chủng chưa đến 6% và có rất ít nguồn lực y tế, tình hình tại Châu Phi lại đang tốt hơn rất nhiều so với Châu Âu hay Mỹ. Tính đến thời điểm hiện tại, lục địa này ghi nhận số ca tử vong vì dịch ít nhất thế giới.
Covid-19 thành quá khứ
Tại một khu chợ ở Harara-Zimbabwe, chị Nyasha Ndou cất chiếc khẩu trang đáng lẽ ra phải đeo trong túi bởi hàng trăm người giao dịch tại đây cũng chẳng ai đeo chúng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Trên thực tế, hầu hết cuộc sống tại Zimbabwe đã trở lại bình thường dù người dân chưa được tiêm chủng hết. Đại dịch đã lùi vào dĩ vãng khi người dân trở lại cuộc sống bình thường và chẳng quan tâm đến những biện pháp phòng dịch.
"Covid-19 đã qua đi rồi. Lần cuối cùng bạn nghe thấy có ai ở đây chết vì đại dịch là khi nào? Tôi vẫn mang khẩu trang trong túi chỉ bởi nếu gặp cảnh sát có thể bị phạt vì không đeo khẩu trang mà thôi", chị Ndou nói.
Trong tuần trước, Zimbabwe chỉ ghi nhận 33 ca nhiễm mới và chẳng có ai tử vong vì dịch. Trên toàn Châu Phi, số liệu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy số ca nhiễm mới cũng nhanh chóng suy giảm kể từ tháng 7/2021.
Tình hình này đã khiến nhiều chuyên gia bất ngờ bởi khi đại dịch tràn vào Châu Phi đầu năm 2021, hầu hết mọi người đều nghĩ đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo với hàng triệu ca tử vong do cơ sở y tế tại đây quá yếu kém. Thế nhưng mọi thứ lại diễn ra nhẹ nhàng hơn dự kiến khi đại dịch suy giảm nhanh chóng.
Hiện nhiều chuyên gia cảnh báo số liệu tại Châu Phi có thể không chính xác do người dân sống cách xa nhau tại nhiều vùng hẻo lánh. Việc chủ quan cho rằng đại dịch đã qua có thể khiến sự lây nhiễm bùng phát trở lại nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Bí ẩn
Bất chấp các tranh cãi, một sự thật không thể phủ nhận là các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được tại sao Châu Phi tiêm chủng ít nhưng đại dịch lại suy giảm.
"Châu Phi không có đủ vaccine cũng như nguồn lực chống lại đại dịch như ở Châu Âu hay Mỹ, thế nhưng tình hình tại đây lại tốt hơn hẳn một cách đầy khó hiểu", chuyên gia Wafaa El Sadr của trường đại học Columbia thừa nhận.
Ảnh minh họa.Nguồn: Internet
Xin được nhắc là tỷ lệ tiêm chủng của Châu Phi chưa đến 6% và trong nhiều tháng, WHO đã liên tục cảnh báo lục địa đen là nơi phủ vaccine ngừa Covid-19 ít nhất thế giới.
Một số chuyên gia nhận định dân số trẻ của Châu Phi với độ tuổi bình quân 20 so với 43 tại Tây Âu là một trong những nguyên nhân. Ngoài ra tỷ lệ đô thị hóa thấp, các khu dân cư sống tách biệt tại nơi hoang dã cũng như việc mọi người thường xuyên phải ra ngoài lao động, ít tụ tập đông người trong nhà khiến tỷ lệ lây nhiễm thấp.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một nghiên cứu xác minh chính xác nào cho nguyên nhân đại dịch không bùng nổ ở Châu Phi nhiều như dự đoán.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại cho rằng do liên quan đến mã gen hay việc châu lục này từng nhiễm các đại dịch khác và sinh ra kháng thể. Mới đây, nghiên cứu của tổ chức Malaria Consortium tại Uganda cho thấy những bệnh nhân từng nhiễm sốt rét sau đó lây virus Sars nCov-2 có tỷ lệ tử vong hay trở nặng thấp hơn so với người bình thường.
Cụ thể, các nhà khoa học của Malaria trình bày ở cuộc họp Hiệp hội y học nhiệt đới và vệ sinh Mỹ (ASTMH) rằng những bệnh nhân nhiễm sốt rét có thể đã làm chai lì hệ thống miễn dịch trong cơ thể người, quá đó khiến hệ thống này không phản ứng thái quá với virus Sars nCov-2 gây nên tình hình trở nặng hay tử vong.
Theo giám đốc Christian Happi của Trung tâm di truyền gen về các bệnh truyền nhiễm tại Châu Phi (CEGID) cho biết nhà chức trách tại đây đã quá quen với việc đại dịch bùng phát mà chẳng có vaccine hay điều trị gì.
Cơ sở hạ tầng y tế quá yếu với nguồn lực ít khiến người dân nơi đây buộc phải chấp nhận quy luật sinh tồn rằng ai may mắn sản sinh được kháng thể thì sống. Nhờ đó, sức đề kháng của người dân Châu Phi được đánh giá là khá cao trong đại dịch.
"Không phải bạn cứ giàu có hay cơ sở y tế tốt là đã thành công đâu", ông Happi nhận định.
Trong nhiều tháng qua, đại dịch khiến hơn 89.000 người thiệt mạng tại Châu Phi, mức được cho là ít nhất so với các châu lục khác. Số liệu của WHO cho thấy Châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số người thiệt mạng vì dịch toàn cầu, trong khi Châu Mỹ và Châu Âu tương ứng chiếm 46% và 29%.
Ví dụ tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất Châu Phi, chính phủ tại đây cho biết gần 3.000 người đã chết vì dịch trong tổng dân số 200 triệu người. Con số này là quá thấp so với 770.000 ca tại Mỹ với dân số 330 triệu người.
"Họ nói rằng khủng hoảng sẽ xảy ra với xác chết đầy đường, nhưng chẳng có gì diễn ra cả", công dân Opemipo Are tại Abuja-Nigeria tự hào nói.
Tuy nhiên cũng theo WHO, rất có thể còn nhiều ca tử vong khác không được thống kê đầy đủ và việc tiêm chủng vẫn cần thiết. Mới đây chính phủ Nigeria đã đặt mục tiêu phủ vaccine cho 50% dân số trước tháng 2/2022.
"Chúng tôi vẫn cần vaccine để chuẩn bị cho đợt bùng phát mới nếu có. Nhìn ví dụ tại Châu Âu thì khả năng bùng ca nhiễm mới là khá cao", chuyên gia dịch tễ học Salim Abdool Karim tại KwaZulu-Natal cảnh báo.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo ABC News, tình hình tại Châu Phi cũng xảy ra với một số nước nghèo tương tự như Afghanistan. Trái với dự đoán khủng hoảng nhân đạo sẽ xảy ra, người dân nơi đây vẫn chẳng thèm đeo khẩu trang.
"Tôi chưa thấy ca nhiễm mới nào gần đây cả", anh Hashmat Arifi, một sinh viên 23 tuổi ở Kabul cho biết khi nói rằng mọi người đều chẳng mấy khi đeo khẩu trang.
Tính đến thời điểm hiện tại, Afghanistan đã ghi nhận 7.200 ca tử vong trong tổng dân số 39 triệu người. Tuy nhiên số ca nhiễm mới và tử vong thực tế vẫn chưa được xác minh.
Trở lại với câu chuyện Châu Phi, tiến sĩ Johannes Marisa, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội bác sĩ tư nhân Zimbabwe (MDPP) cảnh báo mọi người không nên chủ quan bởi đại dịch có thể tấn công và hủy diệt chúng ta bất cứ lúc nào.
Nguồn: ABC News