UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) theo phương thức PPP.
Địa điểm của dự án thuộc địa phận các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, TP. Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn. Liên danh CTCP Tập đoàn xây dựng Miền Trung (Miền Trung Group) - CTCP Đầu tư và Thương mại Hoàng Thành là nhà đầu tư trúng thầu. Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT).
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 3.367 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình hơn 2.354,6 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư khoảng 1.012,3 tỷ đồng. Thời gian thi công hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2024. Thời gian thu phí và vận hành khai thác là 20 năm 8 tháng 12 ngày (bắt đầu từ năm 2025).
Trong liên danh nhà đầu tư trúng thầu dự án nêu trên thì Miền Trung Group là đơn vị địa phương có tiếng. Doanh nghiệp này được thành lập năm 1994 với tiền thân là Công ty TNHH xây dựng giao thông thủy lợi Thanh Hóa, chuyên ngành chính là xây dựng giao thông thủy lợi vừa và nhỏ. Đến năm 2005, công ty đổi tên thành CTCP Phát triển đầu tư xây dựng giao thông thủy lợi Thanh Hóa. Năm 2012 chuyển đổi thành Tổng công ty Đầu tư Xây dựng Thương mại Miền Trung – CTCP và 3 năm sau đổi tên thành Tập đoàn Xây dựng Miền Trung (Miền Trung Group) như hiện nay.
Miền Trung Group được biết đến là cơ nghiệp do ông Mai Xuân Thực sáng lập. Cập nhật tại tháng 1/2016, tập đoàn này có số vốn điều lệ 2.689 tỷ đồng, trong đó ông Thực sở hữu 39% còn bà Lê Thanh Hoa nắm 38%.
Là doanh nghiệp đặt đại bản doanh và có sức ảnh hưởng lớn tại Thanh Hóa, Miền Trung Group cũng nhanh chóng tích lũy cho mình nhiều dự án tầm cỡ tại địa phương cũng như các tỉnh thành khác, như dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn theo hình thức BOT, với tổng vốn đầu 4.111 tỷ đồng; Dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 4D nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sapa theo hình thức hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư 2.518 tỷ đồng; Dự án đường Hồi Xuân - Tén Tằn; đường trong Khu công nghiệp số 3 KKT Nghi Sơn; đường Vành đai phía Tây TP Thanh Hóa, đường 433 Hòa Bình…
Hay một loạt dự án bất động sản, như dự án khu dân cư phía tây đường CSEDP (diện tích khoảng 18,8ha); dự án khu đô thị mới dọc đại lộ Nam sông Mã (quy mô 48ha); dự án khu dân cư phía tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng (diện tích quy hoạch khoảng 30ha) hay dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Thái miếu nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa với quỹ đất đối ứng lên đến gần 70ha….
Ẩn số Hoàng Thành
Trong khi Miền Trung Group đã là thương hiệu có tiếng, thì đối tác của họ tại dự án PPP hơn 3.300 tỷ đồng tại Thanh Hoá - CTCP Đầu tư và Thương mại Hoàng Thành, lại chưa quá nổi bật trên thương trường.
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn , Hoàng Thành được thành lập năm 2008, hoạt động chính trong lĩnh vực thi công, xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng.
Ở thời điểm mới ra đời, vốn điều lệ công ty này là 6 tỷ đồng với các cổ đông gồm: Ông Nguyễn Việt Hùng (36%), ông Mai Danh Hưng (5%) và bà Hoàng Thị Hiền (59%). Ông Nguyễn Việt Hùng (SN 1975), cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật công ty.
Theo đăng ký kinh doanh mới nhất, bà Hiền đã thoái hết vốn khỏi Hoàng Thành trong khi ông Hùng và ông Hưng còn lần lượt 7,2% và 1% cổ phần. Công ty hiện cũng có Người đại diện theo pháp luật mới là ông Nguyễn Ngọc Thái (SN 1987).
Không nhiều thông tin về các cổ đông cũng như lãnh đạo cấp cao của Hoàng Thành, chỉ biết rằng, ông Nguyễn Việt Hùng hồi tháng 10/2015 được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc – Đại diện pháp luật của CTCP Công nghệ Sinh học – Dược phẩm ICA nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong khi, Cựu Chủ tịch HĐQT Hoàng Thành – ông Phan Xuân Hùng (quê quán tại Xuân Dục, Mỹ Hào, Hưng Yên) tốt nghiệp Đại học Thương Nghiệp Hà Nội, là Phó Tổng Giám đốc tại CTCP Xuất nhập khẩu Hưng Yên.
Về phía cổ đông Mai Danh Hưng, ông có quê quán gốc Thanh Hóa và tính đến tháng 2/2018 có nắm vài nghìn cổ phần tại CTCP Tư vấn Xây dựng Công trình Giao thông 2 (TECCO2).
Ở một chi tiết đáng chú ý, Hoàng Thành hiện đóng trụ sở tại số 66 đường Hồng Tiến, phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội. Nơi đây từng là trụ sở CTCP Phát triển Hạ tầng 319 - thành viên Tổng công ty 319. Ở một chi tiết khác, bà Hoàng Thị Hiền, cổ đông sáng lập từng sở hữu tới 59% cổ phần Hoàng Thành, có địa chỉ thường trú tại TT Công ty 319, tổ 1, phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội. Hoàng Thành cũng có quan hệ hợp tác với một số doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty 319.
Không quá khi có thể coi Hoàng Thành là đối tác “ruột” của Miền Trung Group của gia đình họ Mai. Bên cạnh dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (như đã đề cập), 2 bên còn thực hiện nhiều dự án/gói thầu/hợp đồng kinh tế, như: Gói thầu số 02 (ngày 16/8/2022) thi công xây dựng công trình+ bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng thuộc dự án đường Vạn Thiện đi Bến En, hạng mục Cầu Khe Bò, cầu Kênh Nam, Cải Kênh cầu Khe Chậm (Thanh Hóa), nền mặt đường và các công trình trên tuyến đoạn Km6+392,81-Km7+611,3; Hợp đồng kinh tế số 17 ngày 29/4/2021 về việc Mua bán vật tư, vật liệu thi công xây dựng các hạng mục đường (bao gồm: Mặt, nền, móng, thoát nước, cống chui, an toàn giao thông...); Hợp đồng cung cấp thiết bị thi công, nhân công, vật tư phụ số 01/HĐCC/XL3/MT-HT ngày 21/06/2021…
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn , quy mô tài sản và doanh thu của Hoàng Thành (công ty mẹ) có tốc độ tăng trưởng khá nhanh trong 3 năm gần đây. Cụ thể, tài sản tăng gấp đôi từ 162,6 tỷ đồng lên 324 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng gấp 3 lần từ 30,8 tỷ đồng lên 97,7 tỷ đồng, nợ phải trả tới cuối năm ngoái là 226,3 tỷ đồng.
Doanh thu cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng, với biên độ 840%, từ 7,6 tỷ đồng năm 2019 lên 64,2 tỷ đồng năm 2021. Dù vậy, hiệu quả kinh doanh lại là vấn đề đáng bàn, khi 2021 cũng là năm Hoàng Thành báo lỗ lên tới 3,2 tỷ đồng, sau 2 năm lãi và lỗ không đáng kể.