Trả lời chất vất của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng về vi phạm trong hoạt động xây dựng và quản lý đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng trong những năm qua, hoạt động này đã dần đi vào nền nếp, trật tự, số vụ vi phạm giảm dần. Tuy nhiên, theo ông Hà, tình trạng vi phạm trong xây dựng vẫn diễn ra phổ biến và diễn biến phức tạp. Một số vụ chưa được phát hiện kịp thời, nếu có thì chưa được xử lý nghiêm minh, dứt điểm.
Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) dẫn câu chuyện về nhiều dự án, công trình trái phép. Ông lấy ví dụ những dự án cụ thể như Tập đoàn Mường Thanh, 8B Lê Trực, công trình xây dựng trái phép ở rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) mới đây. "Tôi cho rằng một loạt công trình vi phạm vẫn tồn tại như thế, gây bức xúc, mất niềm tin trong nhân dân, họ cho rằng ở đây có lợi ích nhóm, bao che. Tôi chưa hài lòng với cách trả lời của Bộ trưởng", ông Nghĩa nói.
Đối với chất vấn của các đại biểu về tình hình quản lý nhà chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết đã tăng cường công tác quản lý, xây dựng, vận hành, sử dụng các tòa chung cư đã được xây dựng và có một số tiến bộ. Tuy nhiên, những sai phạm và tranh chấp trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư hiện nay cũng nổi lên là một vấn đề khá gay gắt.
Theo số liệu tổng hợp nhanh, có khoảng 200 khiếu nại, tranh chấp liên quan đến tình hình quản lý và sử dụng nhà chung cư. Nội dung tranh chấp, sai phạm về: Diện tích sở hữu chung, tư, diện tích căn hộ; tranh chấp về kinh phí bảo trì, chiếm hữu kinh phí bảo trì; tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành, chất lượng công trình, các tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán căn hộ
Trước tình hình đó, Bộ trưởng cho biết Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 29 ngày 9/10/2018, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể và các nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố.
Trả lời chất vấn của đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) về vấn đề nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp và người nghèo đô thị tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng đây là vấn đề được xã hội quan tâm và coi là trọng tâm trong chính sách phát triển nhà ở quốc gia.
Ông cho biết, trong thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện, thực hiện được 3,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội. Trong đó, 1,8 triệu m2 cho người nghèo đô thị, khoảng 2 triệu m2 cho công nhân. Tuy đã cố gắng nhiều nhưng kết quả đạt được vẫn còn rất thấp, kết quả mới chỉ đạt khoảng 3,8/10 triệu m2 như yêu cầu của chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Như vậy, cung - cầu đang mất cân đối gay gắt.
Theo ông Phạm Hồng Hà, để giải giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 03/2017 về một số giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở mà trọng tâm là nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người nghèo đô thị. Nếu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chỉ thị với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thì chắc chắn chúng ta sẽ có chuyển biến mới trong vấn đề đáp ứng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp giải quyết được cơ bản vấn đề nhà ở.