Dù hiểu rõ, khi lấy đường từ nhà máy bán lại cho đại lý sẽ chịu cảnh thua lỗ, nhưng nông dân trồng mía không còn cách nào khác, họ cắn răng nhận đường để gỡ vốn.
Bán mía, “đắng cay” nhận đường
Hợp tác làm ăn với Bisuco nhưng hiện tại ông Trần Văn Vân (43 tuổi, trú thị xã An Khê, Gia Lai), đang đau đầu vì phải theo đuổi, đòi số tiền mà nhà máy này còn nợ ông. Ông Vân cho hay, nhà ông có 10ha đất trồng mía, năm nào năng suất cao thì sản lượng thu hoạch đạt đến 1.000 tấn mía cây, nếu thất thu cũng được 700 - 800 tấn.
Từ tháng Chạp năm trước đến nay, khi bắt đầu bước vào vụ sản xuất, ông đã bán cho Bisuco tổng cộng hơn 400 tấn mía, với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, nhà máy chỉ thanh toán cho ông được hơn 100 triệu đồng tiền mặt, số còn lại ghi sổ nợ. Vì vậy, ông Vân đã đến trụ sở Bisuco để lấy đường trừ nợ.
“Do không nắm rõ thủ tục nên tôi đành giao hết chứng từ cho đại lý giúp tôi lấy đường từ nhà máy. Sau khi lấy được đường, đại lý thu mua lại thấp hơn giá nhà máy là 5 giá. Nhà máy “cấn” đường cho tôi 10.800 đồng/kg nhưng ra khỏi nhà máy đại lý thu mua chỉ với 10.300 đồng/kg, vị chi cứ 100 triệu đồng tiền bán mía, tôi mất đứt 5 triệu đồng. Tuy nhiên, số đường lấy được mới chỉ tương đương 190 triệu đồng, hiện Bisuco vẫn còn nợ tôi 100 triệu đồng”, ông Vân cho biết.
Nông dân Nguyễn Thành loay hoay tìm cách lấy đường từ nhà máy Bisuco để trừ nợ
Trong khi đó, sau khi được Bisuco quy số tiền nợ 340 triệu đồng ra thành 40 tấn đường, nông dân Nguyễn Thành (45 tuổi, trú huyện Đăk Pơ, Gia Lai) cứ lang thang mãi trước cổng nhà máy để nhờ người liên hệ lấy đường.
“Mấy ngày nay, tôi tìm người làm thủ tục nhận đường giúp nhưng tìm không ra. Ai cũng lo công việc của họ nên đến nay tôi vẫn chưa nhận được ký đường nào từ nhà máy, đành phải tiếp tục chờ đợi”, ông Thành cho hay.
"Cấn" đường đổi nợ
Anh Đỗ Đình Cư (trú xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định) là thương lái chuyên thu mua mía của nông dân bán cho nhà máy Bisuco. Từ đầu vụ đến nay, anh đã nhập cho Bisuco đến 3.000 tấn mía với giá 900.000 đồng/tấn (tính cả tiền vận chuyển).
Anh Cư than vãn: “Mua bán là để kiếm đồng lời nuôi vợ nuôi con nhưng bây giờ tôi đành phải “cấn” đường đổi nợ. Nhận đường từ nhà máy ra khỏi cổng cứ 100 triệu đồng, mất 5 triệu. Vốn liếng “chôn” ở nhà máy suốt mấy tháng trời, giờ còn chịu lỗ kiểu này thì hết vốn hết liếng làm ăn. Đã vậy, hiện nhà máy còn nợ tôi hơn 1 tỷ đồng, không biết đến khi nào mới được thanh toán dứt điểm khoản tiền này”, anh Cư nói.
Trước khi bị tạm đình chỉ hoạt động, rất nhiều xe tải chở mía khắp nơi về bán cho Bisuco
Anh Bùi Trung Vũ (40 tuổi, xã Tây Giang) có xe tải, cứ đến vụ ép mía là anh ký hợp đồng vận chuyển mía cho nông dân để lấy tiền cước, kết hợp mua bán mía kiếm thêm thu nhập.
Hiện tại, anh Vũ đã bán cho Bisuco hơn 400 tấn mía, vào mùng 6 Tết Mậu Tuất 2018, anh được Bisuco chi trả hơn 30 triệu đồng và còn nợ hàng trăm triệu đồng. “Bisuco còn nợ tôi 400 triệu đồng, nhưng tôi vẫn chưa lấy ký đường nào. Bởi lẽ, trong khoản công ty nợ, có cả tiền mía tôi cân bán dùm cho nông dân nên không biết phải tính toán sao với họ. Mấy ngày nay, rất nhiều nông dân, thương lái ở Gia Lai lấy đường của Bisuco trừ nợ, lòng tôi đang nóng như lửa đốt, bởi lo sợ khi đường trong kho người khác đã lấy hết thì mình lại về tay không”, anh Vũ chia sẻ.
Trước “sức nóng” của vụ việc, ông Đỗ Văn Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định), cho biết: “Suốt mấy ngày nay, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan và ngành chức năng bố trí lực lượng trực tại khu vực quanh Bisuco để nắm bắt tình hình 24/24 giờ. Phòng trừ trường hợp, giữa nông dân và nhà máy xảy ra tranh chấp, gây mất an ninh trật tự thì lực lượng chức năng sẽ kịp thời can thiệp”.
Tỉnh Bình Định nói không với dự án gây ô nhiễm Liên quan đến vấn đề trên, ngày 12.4, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, hoạt động sản xuất của nhà máy Bisuco đã có những hành vi cố tình vi phạm về lĩnh vực môi trường, xả thải gây ô nhiễm. Qua đó, UBND tỉnh đã nhiều lần yêu cầu tạm dừng sản xuất để có biện pháp khắc phục nhưng Bisuco vẫn để sai phạm tái diễn. “Bình Định kiên quyết không chấp nhận đánh đổi kinh tế để môi trường bị ô nhiễm. Do vậy, các cơ quan chức năng địa phương đang thực hiện các bước để niêm phong nhà máy của Bisuco, không cho họ sản xuất cho đến khi thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường”, ông Dũng cho hay. |