Phó chánh văn phòng 389 Quốc gia nói gì về thăng tiến “thần tốc” (Ảnh: TX)
Vừa qua, việc cá nhân ông được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường và cử biệt phái làm Phó Chánh văn phòng 389 quốc gia, có ý kiến cho rằng là nhanh hay gọi là “thần tốc”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi nhanh cần so với cái gì, nhanh phải có cái để so sánh hay so với người chậm. Còn thực tế cũng có rất nhiều người nhanh. Phạm trù “thần tốc”, nhanh tôi cũng đã được nghe, có người gọi là trẻ nhưng ngay ở bộ tôi hay ở nhiều ngành khác thì tôi không phải là trẻ. Tôi là trường hợp đầu tiên Bộ Công Thương thí điểm thi tuyển, có thể yếu tố thi tuyển là yếu tố giải thích cho việc không theo quy trình bình thường. Hồi đó Bộ tổ chức thi tuyển, tôi mạnh dạn tham gia. Sau khi thi tuyển thì phải hỏi chính đơn vị công tác mới biết được kế quả làm việc.
Nếu để nói về kinh nghiệm về ngày giờ, bạn đọc phản ánh mình cho là có cái đúng chứ không phải là không có căn cứ. Vấn đề là phải xem rõ chức năng nhiệm vụ của Văn phòng 389 là gì, kể cả Quản lý thị trường. Tại sao lại điều động như vậy?
Hiện Bộ Công Thương hay Văn phòng 389 có quy định cán bộ phải qua Chuyên viên chính, và có chứng chỉ Cao cấp chính trị hay không? Ở vị trí hiện tại, ông thấy mình đáp ứng đầy đủ các tiêu chí?
Nội dung đó là do Tổ chức quy định nhưng chắc chắn tôi nghĩ rằng nếu có những quy định đó thì Tổ chức sẽ không phân công tôi còn đã phân công thì phải đúng các quy định. Hiện tôi đã học xong cả chuyên viên chính và cao cấp chính trị và chờ thi.
Sau khi tiếp nhận vị trí Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389, ông có thấy áp lực không và có cảm thấy tự tin với vị trí công việc mới hay không?
Tôi cũng nghiên cứu kỹ chức năng nhiệm vụ ở đây và tôi thấy không phải tôi có thể làm thay tất cả lực lượng chức năng, chỉ riêng quản lý thị trường với 6.000 người nên ở đây tôi nhấn mạnh là khối văn phòng.
Tất nhiên, tôi cũng không coi nhẹ và nghĩ đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Bản thân tôi đã xuất phát từ doanh nghiệp, sau đó qua làm báo rồi làm ở văn phòng bộ nên công tác tổng hợp cũng có kinh nghiệm nhất định. Tuy nhiên, lĩnh vực mới phải tiếp tục học hỏi, tìm hiểu để hoàn thiện công việc được giao.
Tôi nghĩ nguyên tắc thứ nhất là phải tuyệt đối phục tùng, còn việc trong cơ quan quản lý hay các tổ chức xã hội đôi khi phải thực hiện nhiệm vụ không thuộc vào lĩnh vực cũng như chuyên môn trước đây mình học cũng là việc hết sức bình thường. Vấn đề ở chỗ là trách nhiệm công việc và tiếp cận công việc mới phải vừa học hỏi, lắng nghe, tìm tòi.
Cũng như đi học đại học hay cao học thì cũng chỉ là kiến thức hết sức căn bản, khi làm một lĩnh vực cụ thể, sự việc cụ thể thì nó có câu chuyện chuyên môn cụ thể. Theo tôi, chống buôn lậu gian lận thương mại cuối cùng là câu chuyện kinh tế, nếu để nói có liên quan hay không rất vô cùng.
Trong thời kỳ làm thư ký bộ trưởng, các lãnh đạo có hài lòng về công việc của ông?
Tôi nghĩ cái này thì anh nên hỏi 2 Bộ trưởng là ông Vũ Huy Hoàng nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Tôi có làm thư ký cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hơn 4 tháng còn với nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là 9 tháng.
Tôi chỉ nghĩ là mình còn trẻ, tậm tâm tận tụy, còn không biết các lãnh đạo có hài lòng hay không. Tôi cũng không thấy các bác chê trực tiếp, có thể các bác thấy mặt được, mặt chưa được, không thể nào mình nói hoàn toàn là được vì đó là suy nghĩ của cá nhân mình.
“Làm ở Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia là tổng hợp, tham mưu, đề xuất, giúp việc cho lãnh đạo chứ không đi bắt đi bớ. Còn nói về tổng hợp thì không phải tôi nhận mình là xuất sắc, như ở văn phòng Bộ Công Thương thì tôi cũng đã có hơn 2 năm làm việc trong lĩnh vực này nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm. Tất nhiên, chẳng ai dám nói rất có kinh nghiệm, bởi mảng này cực kỳ rộng, hôm nay biết cái này, mai lại có cái mới phải tiếp tục học nên chỉ có nói là hết sức cố gắng”, ông Sơn chia sẻ. |
Khi được giao nhiệm vụ mới ở Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, bản thân ông có sự lo lắng, e dè hay trong đầu có nghĩ từ chối hoặc có điều gì ngăn cản ông tiếp nhận vị trí mới này hay không?
Tôi còn trẻ, công việc cũng thay đổi thường xuyên nên được tổ chức phân công tôi sẽ làm hết trách nhiệm. Cái gì không biết thì phải tiếp tục học hỏi, cá nhân tôi không có gì e dè vì một phần đã quen sự thay đổi. Lúc ở Tạp chí Công Thương, Bộ Công Thương tổ chức thi tuyển, nhiều người ngại chưa quen việc thay đổi công việc mới, môi trường mới nhưng tôi lại là người thích sự thay đổi nên tôi đã đăng đăng ký thi tuyển.
Trước đó, ông từng làm trong doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh, vì sao ông lại chuyển ngang ngạch công chức?
Thời đó thì tôi làm báo của hiệp hội nên doanh nghiệp vẫn làm được, miễn là có đóng góp tốt. Thực ra nói đúng là chỉ có mẹ và bác tôi làm kinh doanh vàng, tôi nghĩ cũng phải rõ ràng vấn đề này, bác là bác, cháu là cháu. Một số quan điểm cứ gán tôi với thương hiệu Bảo Tín Minh Châu của bác tôi là chưa chính xác. Thực tế, thương hiệu Bảo tín Mạnh Hải cũng là của mẹ tôi chứ bố tôi không tham gia và cá nhân tôi cũng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh vàng là chính, còn ô tô khi đó tôi cũng chỉ tham gia vào lĩnh vực của gia đình thôi.
Tất nhiên, tôi cũng luôn mong muốn cống hiến ở lĩnh vực khác đã được Đảng, tổ chức phân công nên trên tinh thần trách nhiệm thì tôi sẽ làm hết sức mình còn làm được tới đâu thì do mọi người xung quanh đánh giá.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trao quyết định bổ nhiệm ông Vũ Hùng Sơn giữ chức Phó tổng biên tập Tạp chí Công Thương. (Ảnh: Tạp chí Công Thương)
“Tôi nghĩ việc gì cũng phải rõ ràng, kinh doanh vàng không phải ba tôi mà chủ yếu là mẹ tôi và bác tôi làm. Thương hiệu Bảo Tín Mạnh Hải là do mẹ tôi làm là chính”, ông Sơn nói. |
Ông tiếp nhận vị trí mới liệu ông có lường trước những khó khăn?
Tôi nghĩ là công việc mới không đơn giản. Nếu đặt câu hỏi: công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại có từ bao giờ thì chưa chắc các anh trả lời được. Do đó, công việc này không phải là giải quyết một lúc xong ngay, cần bền bỉ, lâu dài và có sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau để cùng giải quyết.
Ông đã có kế hoạch tập trung vào lĩnh vực gì trong thời gian tới trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hay không?
Hiện nay Ban chỉ đạo 389 quốc gia có rất nhiều nội dung như xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…trong Nghị quyết 41 cũng nêu rất nhiều vấn đề cần triển khai. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia là đôn đốc, giám sát hỗ trợ thông tin để các cơ quan quản lý ở địa phương thực hiện nghiêm và đúng thì tôi nghĩ cũng đã là rất nhiều việc phải triển khai rồi. Chưa kể tới khi đi vào từng nội dung cụ thể cũng rất nhiều việc, nên dù chưa cần sáng tạo gì cũng đã có nhiều việc phải làm. Tất nhiên nói về phân bón, xăng dầu…có câu chuyện cụ thể khác nhau và ai được giao mảng nào thì triển khai cho tốt mảng đó.
Nhận định của ông về thị trường thuốc BVTV và phân bón như thế nào?
Do công việc mới tiếp nhận và kế hoạch 2017 đã hết, hiện tôi mới nghiên cứu xem thời gian qua đã làm tới đâu. Thực tế, quản lý về chính sách trong lĩnh vực phân bón trước đây là của Bộ Công Thương là chính nhưng hiện nay đã chuyển sang Bộ NNPTNT. Tuy nhiên, trách nhiệm của quản lý thị trường là trong vấn đề giám sát, kiểm tra chất lượng phân bón trên thị trường như phân bón giả, phân bón lậu… hiện tôi cũng đang nghiên cứu và đôn đốc vấn đề này. Ngoài ra, lĩnh vực phân bón cũng không phải giao cho tôi phụ trách mà tôi được giao nhiệm vụ phụ trách 14 tỉnh phía Bắc, đôn đốc, triển khai kịp thời các thông tin liên quan tới lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…ở các tỉnh này.