Điều khiến nhiều thương nhân bỏ “cuộc chơi” chính là thủ tục, điều kiện nhập khẩu khá ngặt nghèo, đặc biệt là yêu cầu phải có khu cách ly.
Quyết định cho phép nhập khẩu lợn sống (nguyên con) từ Thái Lan về Việt Nam đã góp phần giúp thị trường thịt lợn trong nước “hạ nhiệt” đáng kể thời gian gần đây. Tuy nhiên, một số yêu cầu thiếu thực tế, cộng với công tác kiểm soát nhập lậu còn lỏng lẻo khiến các doanh nghiệp tiên phong nhập khẩu lợn sống nản lòng, muốn bỏ cuộc.
Những rủi ro không thể kiểm soát
Giữa thời điểm giá thịt lợn trong nước không ngừng leo thang, tháng 6/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quyết định cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam.
Là một trong những “lái buôn” nhập lợn sống đầu tiên về Việt Nam, ông K., Giám đốc một doanh nghiệp tại Nghệ An cho hay, vì là lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu lợn sống nên cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp đều không khỏi lúng túng.
Do vậy, từ khi có chủ trương đến khi chính sách được ban hành, giá lợn đã biến đổi liên tục. Trong khi giá thịt lợn trong nước “nguội” dần thì phía Thái Lan lại đẩy giá xuất chuồng tăng cao. Nhưng điều khiến nhiều thương nhân quyết định bỏ “cuộc chơi” chính là thủ tục, điều kiện nhập khẩu khá ngặt nghèo, đặc biệt là yêu cầu phải có khu cách ly.
“Người có khu cách ly từ trại nuôi sẵn có thì không có vốn và kiến thức để lo thủ tục ở các chặng di chuyển từ Thái Lan qua Lào, từ Lào về Việt Nam và ngược lại. Còn người có vốn lại phải xây khu cách ly mất thời gian, tốn thêm hàng tỷ đồng… Cứ như vậy chỉ còn vài người dám ở lại, xoay đủ hướng để đạt yêu cầu nhưng quá trình vận hành cũng vô cùng chông gai”, ông K. cho hay.
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lợn về Việt Nam đang lỗ nặng do gặp nhiều rủi ro ngoài kiểm soát |
Theo ông K., để đưa lợn sống về nước, doanh nghiệp nhập khẩu phải thuê nhiều chặng xe đi qua địa phận Thái Lan và Lào, sau cùng mới sang xe về Việt Nam. Trong khi đó, số doanh nghiệp vận tải của Việt Nam đáp ứng được điều kiện liên vận, chạy thẳng qua các cửa khẩu lại không nhiều nên việc thuê xe vận chuyển rất khó khăn.
Chưa kể, người đi thực hiện thủ tục nhập khẩu cần phải thông thạo 3 thứ tiếng (Thái Lan, Lào, Việt Nam) hoặc ít nhất là 2 thứ tiếng, bằng không mỗi chặng phải thuê được một người vừa biết tiếng, vừa hiểu chuyên môn mới có thể xử lý công việc trôi chảy.
Ông K. nhẩm tính, chi phí để nhập khẩu một xe lợn (160 - 180 con) từ Thái Lan về Việt Nam lên đến cả trăm triệu đồng gồm: Chi phí vận chuyển (khoảng 40 triệu đồng/xe); chi phí phiên dịch, lùa lợn mỗi chặng sang xe (khoảng 10 triệu đồng/xe); chi phí kiểm dịch, xét nghiệm (khoảng 20 triệu/lần, tối đa 500 con và nếu thấp hơn cũng phải chịu chi phí đó).
Nhưng chi phí làm doanh nghiệp đau đầu nhất là khoản hao hụt mỗi lần lên, xuống xe và quá trình cách ly. Đặc biệt là sự biến động hàng ngày của giá cả trong khi thời hạn cách ly tối thiểu phải 5 ngày. Chi phí này doanh nghiệp gần như không tính trước nổi.
“Đành rằng giá thịt lợn trong nước cao thì nhập khẩu lợn sống để giúp hạ nhiệt, song có khi về đến cửa khẩu giá đã rớt và sau đó phải chịu mất thêm 5 ngày rớt giá nữa (5 ngày cách ly).
Tính ra, mất đến 10 giá (10 nghìn đồng/kg) thì doanh nghiệp gánh lỗ khoảng 600 triệu đồng/500 con lợn”, ông K. chia sẻ và tổng kết: “Chúng tôi đã nhập khẩu 10 chuyến hàng thì 1 chuyến có lãi, 4 chuyến hòa vốn do trời nắng, 5 chuyến lỗ đều rơi vào tình trạng giá đang cao, về đến Việt Nam bị giảm mạnh.
Ước tính đến nay doanh nghiệp lỗ khoảng 2 tỷ đồng. Thị trường lên xuống, người kinh doanh lúc lỗ lúc lãi là điều phải chấp nhận, nhưng với các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống như chúng tôi, phần lỗ chủ yếu do những rủi ro mà chúng tôi không kiểm soát nổi”.
Những “rủi ro không kiểm soát nổi”, theo ông K., ngoài quy định cách ly kéo dài, còn có nguyên nhân lợn nhập khẩu “chính ngạch” không đấu nổi với lợn nhập lậu bởi phải mất thêm nhiều chi phí như: Dịch vụ thủ tục hải quan 10 triệu đồng/xe; xét nghiệm 20 triệu đồng/lô 3 - 4 xe; thuê chuồng trại cách ly 50 triệu đồng/tháng; thuê công nhân chăm sóc trong 5 ngày khoảng 10 triệu đồng (chưa kể khi chưa bán được luôn phải lưu lại trại lâu hơn); chi phí thức ăn 50 - 70 triệu đồng mỗi ngày; hao hụt ít nhất 2 nghìn đồng/kg sau khi về đến chuồng…
“Chi phí lợn nhập và hao hụt đội lên khoảng 8 - 10 nghìn đồng/kg so với nhập lậu. Chưa kể, nếu giá trong nước xuống, trong 5 ngày cách ly, doanh nghiệp còn chịu thêm khoản lỗ khoảng 5 - 10 nghìn đồng/kg”, ông K. ước tính và cho hay, hiện tại, hoạt động này bị chững lại gần như hoàn toàn do các doanh nghiệp bị lỗ nặng.
Mất trắng vì lợn nhiễm dịch trong thời gian cách ly
Nhưng ông K. vẫn còn là trường hợp may mắn nếu so với trường hợp của Công ty TNHH MTV Thương mại, dịch vụ quốc tế Đ.L (Quảng Trị). Bà V., Giám đốc Công ty Đ.L cho biết, vào những ngày đầu tháng 7/2020, công ty của bà đã rất thuận lợi khi đưa về được 2 chuyến hàng với số lượng khoảng 1.000 con lợn.
“Bộ NN&PTNT cho biết, từ ngày 12/6/2020 đến hết ngày 5/10/2020, đã có 27 doanh nghiệp nhập khẩu 239.690 con lợn thịt vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm trong số hơn 5 triệu con được đăng ký theo quy định của Cục Thú y.” |
Thời điểm đấy, giá lợn hơi trong nước đang ở khoảng trên 90 nghìn đồng/kg, trong khi, gánh hết mọi chi phí thì giá lợn nhập khẩu về khoảng hơn 80 - 82 nghìn đồng/kg. Nếu tính giá bán ra mức 85 nghìn đồng/kg thì DN của bà thu về được khoảng 2 - 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, giá mua tại Thái Lan tăng cao, trong khi giá trong nước liên tục giảm khiến cho những chuyến hàng sau lỗ nặng. Đau đớn nhất là trong khi cách ly ở trại tại Việt Nam, 800 con lợn công ty đưa về bị dính dịch lở mồm long móng khiến cho doanh nghiệp rơi vào cảnh kiệt quệ, mất trắng nhiều tỷ đồng.
“Bán không ai mua, tiêu hủy còn phải mất tiền. Thiệt hại cả 4 - 5 tỷ đồng không có cách nào cứu vãn. Khó khăn chồng chất khó khăn khi trại cách ly cũng không tiếp tục được sử dụng, trong khi giá liên tiếp giảm nên đành tìm hướng khách kinh doanh”, bà V. buồn bã và chia sẻ, thời điểm giá lợn hơi cao nhất thì doanh nghiệp phải loay hoay tìm cách xin cấp giấy phép mất vài tháng. Tới khi lấy được giấy phép thì giá bắt đầu trồi sụt, không còn hấp dẫn. “Tôi biết có nhiều doanh nghiệp còn chưa kịp nhập khẩu. Nói tóm lại, việc nhập khẩu lợn sống không còn hấp dẫn với doanh nghiệp”, bà V. nhận định.
Theo bà V., quy định phải cách ly chưa hợp lý bởi công tác kiểm dịch phía Thái Lan đã rất tốt rồi, vận chuyển lợn cũng đi thẳng và tuân thủ nghiêm việc kiểm dịch thì không có lý nào phải đưa về chuồng và thực hiện thủ tục kiểm dịch một lần nữa.
“Phiếu kiểm dịch từ Thái Lan vẫn đảm bảo trong thời hạn quy định, trong khi việc cách ly 5 ngày còn có thể khiến đàn lợn bị nhiễm thêm bệnh từ môi trường. Chưa kể doanh nghiệp phải chi thêm hàng trăm triệu đồng để chăm sóc đàn lợn mỗi ngày”, bà V. nói và cho rằng, quy định cách ly đàn lợn nhập khẩu chính là mấu chốt gây nhiều tốn kém và lo ngại nhất đối với DN.
Mang băn khoăn của doanh nghiệp trao đổi với Bộ NN&PTNT, đại diện cơ quan này cho biết: Quy định cách ly là bắt buộc nhưng Bộ NN&PTNT cũng đã điều chỉnh giảm thời gian cách ly xuống còn 5 ngày so với quy định của Luật Thú y là phải 30 ngày.
Vị đại diện này nhận định, do giá lợn hơi trong nước không chênh nhiều so với giá bán tại Thái Lan nên hoạt động này sẽ chậm lại trong thời gian tới do nguồn cung tái đàn trong nước đang tăng tốt, có thể tăng thêm 14% vào cuối năm nay. Do vậy, từ nay đến hết năm, giá sẽ giữ mức hiện tại hoặc thấp hơn.
“Hiện nay, giá lợn hơi đang ở mức 70 - 75 nghìn đồng/kg. Miền Bắc có nơi giá xuống 69 nghìn đồng/kg, miền Nam giá khoảng 75 nghìn đồng/kg. Chúng tôi kỳ vọng giá lợn hơi sẽ xuống và giữ ở mức 70 nghìn đồng/kg theo đúng dự báo”, vị này nói.
(Theo Báo Giao Thông)