Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2024 nhập khẩu phân bón của Việt Nam đạt 531.849 tấn, tương đương 176,64 triệu USD, tăng 7,4% về lượng, tăng 8,3% kim ngạch so với tháng 4/2024. So với tháng 5/2023 tăng mạnh 37,5% về lượng, tăng 43,8% kim ngạch và tăng 4,6% về giá.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 2,12 triệu tấn, trị giá trên 681,9 triệu USD, giá trung bình đạt 321,4 USD/tấn, tăng 64,6% về khối lượng, tăng 48,8% về kim ngach nhưng giảm 9,7% về giá so với 5 tháng đầu năm 2023.
Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 39,8% trong tổng lượng và chiếm 33,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 845.258 tấn, tương đương 230,45 triệu USD, giá trung bình 272,6 USD/tấn, tăng 33,7% về lượng, tăng 10% về kim ngạch nhưng giảm 17,7% về giá so với 5 tháng đầu năm 2023.
Riêng tháng 5/2024 nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc giảm 3,4% về lượng, nhưng tăng 0,2% kim ngạch và tăng 3,7% về giá so với tháng 4/2024, đạt 186.366 tấn, tương đương 63,24 triệu USD, giá 339,3 USD/tấn; So với tháng 5/2023 tăng 21,6% về lượng, tăng 45,3% kim ngạch và tăng 19,5% về giá.
Tiếp đến thị trường Nga đứng thứ 2, chiếm 15,8% trong tổng lượng và chiếm 22,3% trong tổng kim ngạch, với 335.581 tấn, tương đương 152,28 triệu USD, giá trung bình 453,8 USD/tấn, tăng 453,6% về lượng, tăng 371,7% về kim ngạch nhưng giảm 14,8% về giá so với 5 tháng đầu năm 2023.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường Lào đạt 141.887 tấn, tương đương 37,61 triệu USD, tăng 66,6% về lượng, tăng 11,7% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm trên 6,7% trong tổng lượng và chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhìn chung, trong 5 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường tăng so với 5 tháng đầu năm 2023.
Ngành nông nghiệp Việt Nam tiêu thụ 11-12 triệu tấn phân bón , trong đó, sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu, vì có những sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được.
Mới đây, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó phân bón được đưa vào diện chịu thuế 5%, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 sắp tới.
Đây là động thái được kỳ vọng sẽ tháo gỡ "nút thắt" trong gần 10 năm qua không chỉ với ngành phân bón Việt Nam mà còn mang lại nguồn thu ngân sách cho Nhà nước và lợi ích cho nhà nông.
Trên thế giới, Trung Quốc là nước xuất khẩu phốt phát lớn nhất toàn cầu và là nhà cung cấp urê chính, nhưng kể từ năm 2021, nước này đã áp dụng các biện pháp bao gồm cấp hạn ngạch xuất khẩu và yêu cầu kiểm tra kéo dài đối với thành phần phân bón để hạ giá trong nước. Đến tháng 9/2023, chính phủ tiếp tục yêu cầu một số nhà sản xuất urê hàng đầu của nước này tạm ngừng xuất khẩu .
Điều này khiến thị trường phân bón trên toàn thế giới chao đảo, đặc biệt là những quốc gia đang phải phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu để đảm bảo sản xuất lương thực thực phẩm cho nhu cầu trong nước.
Trong năm 2024, các chuyên gia dự báo nguồn cung phân bón sẽ ngày càng thắt chặt do hai nhà cung cấp lớn của thế giới là Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu . Điều này có thể khiến giá phân bón trong năm 2024 tăng nhẹ so với các năm trước.