Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã soát xét, Tổng công ty CP Y tế Danameco (HNX: DNM) ghi nhận lợi nhuận sau thuế lỗ 25,5 tỷ đồng. Trong khi, trước soát xét, doanh nghiệp báo doanh thu đạt gần 197 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 13 tỷ đồng.
Sau soát xét BCTC bán niên, Danameco chuyển từ lãi sang lỗ hàng chục tỷ đồng và bị đơn vị kiểm toán đưa ra một loạt ý kiến ngoại trừ.
Cụ thể về các khoản mục thay đổi sau soát xét, doanh thu của Danameco đã giảm 3,2% so với báo cáo tự lập còn 190,6 tỷ đồng. Tuy nhiên giá vốn hàng bán lại tăng 22,6% lên 186,4 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp sau soát xét giảm 90,6% còn 4,2 tỷ đồng. Các chi phí của đơn vị này cũng tăng sau soát xét khiến doanh nghiệp ghi nhận lỗ 25,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.
Giải trình về việc lỗ trong nửa đầu năm nay, phía Danameco cho rằng, sau khoảng thời gian dịch COVID-19 diễn ra, các khách hàng quốc tế mong muốn tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng sản xuất vật tư y tế. Vì vậy, công ty Danameco đã tập trung đầu tư mở rộng nhà xưởng để đẩy mạnh sản xuất khiến giá vốn tăng cao.
Không những chuyển từ lãi sang lỗ sau soát xét, doanh nghiệp ngành sản xuất khẩu trang này còn bị đơn vị kiểm toán đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ, cụ thể:
Thứ nhất, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay đã bao gồm giá vốn hàng bán với số tiền là hơn 6 tỷ đồng. Do hạn chế phạm vi tiếp cận nên kiểm toán không thể đưa ra kết luận về nghiệp vụ này cũng như ảnh hưởng của chúng đến các khoản mục liên quan.
Thứ hai, tại thời điểm thực hiện soát xét 6 tháng đầu năm 2022, Danameco chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ kế toán có liên quan đến một số khoản doanh thu của 6 tháng đầu năm với giá trị là 2,1 tỷ đồng.
Thứ ba, về hàng tồn kho và công nợ. Tại ngày 30/06/2022, báo cáo tài chính đang ghi nhận giá trị hàng tồn kho là linh kiện máy thở và tương ứng là khoản nợ phải trả nhà cung cấp với cùng số tiền gần 9 tỷ đồng. Kiểm toán không có cơ sở để đưa ra ý kiến về tính đầy đủ của số hàng tồn kho này cũng như sự ảnh hưởng đến các khoản mục có liên quan tại ngày 31/12/2021, không có cơ sở để đưa ra ý kiến về tính hiện hữu của hàng tồn kho và khoản công nợ phải trả có liên quan tại ngày 30/06/2022.
Bên cạnh đó, trong tháng 6/2022, Công ty đã tạm nhập hàng hóa và ghi nhận nợ phải trả nhà cung cấp với cùng số tiền 28,4 tỷ đồng. Các hóa đơn mua hàng tương ứng được phát hành vào tháng 8/2022, Công ty đã ghi nhận bút toán xuất kho toàn bộ lượng hàng nếu trên và ghi nhận vào giá vốn trong tháng 6/2022 nhưng kiểm toán viên chưa được cung cấp các phiếu xuất kho liên quan đến lượng hàng tồn kho này.
Ngoài ra, Kiểm toán viên không được cung cấp tài liệu kế toán nào làm cơ sở cho việc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và ghi giảm giá vốn hàng bán với cùng số tiền gần 7 tỷ đồng. Sau hoàn nhập dự phòng, số dư khoản mục “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho” tại ngày 30/06/2022 là hơn 1,74 tỷ đồng. Việc hoàn nhập dự phòng khi không có cơ sở là chưa đúng quy định của Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ tư, Công ty đã ghi nhận vào Thu nhập khác (số tiền gần 2,5 tỷ đồng) trong 6 tháng đầu năm 2022. Kiểm toán viên chưa được cung cấp các tài liệu kế toán có làm cơ sở cho việc ghi nhận khoản thu nhập này. Do đó, không có đủ cơ sở để đưa ra kết luận về tính đúng đắn của khoản thu nhập nêu trên cũng như ảnh hưởng chúng đến các khoản mục có liên quan.
Thứ năm, đơn vị kiểm toán từ chối xác định tính hiện hữu của tài sản là máy móc, thiết bị (nguyên giá 37 tỷ đồng) đang được công ty dùng cho hoạt động liên kết với Bệnh viện Thái Nguyên. Kiểm toán viên không được cung cấp các biên bản bàn giao tài sản liên kết, các tài liệu kế toán có liên quan đến phân chia kết quả hằng năm, các hồ sơ khác có liên quan.
Theo đơn vị kiểm toán, căn cứ vào báo cáo tài chính của các năm 2020 và năm 2021, toàn bộ chi phí khấu hao của các tài sản trên là 13 tỷ đồng, đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh các năm tương ứng của công ty mà không phân bổ cho bên liên kết. Riêng chi phí khấu hao 6 tháng đầu năm 2022 của các tài sản này thì công ty chưa thực hiện trích (ước tính 2 tỷ đồng). Công ty cũng chưa ghi nhận kết quả (lãi hoặc lỗ) từ hoạt động liên kết trên từ năm 2020 đến nay.
Thứ sáu, tại ngày 30/06/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty là hơn 2,57 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng cổ phiếu vào ngày 28/6/2022 với số tiền hơn 8,75 đồng (tương ứng 875.465 cổ phiếu), vượt quá nguồn lợi nhuận sau thuế được phân phối là hơn 6,18 tỷ đồng.
Cổ phiếu DNM đã giảm 64% kể từ hồi cuối tháng 3/2022.
Và những giải trình từ Danameco
Với hàng loạt ý kiến ngoại trừ nêu trên, mới đây, Danameco cũng đã có văn bản giải trình. Về ý kiến thứ nhất, Danameco cho rằng, đây là giá vốn của các doanh thu liên quan đến hợp đồng thầu năm 2021, do đặc thù hợp đồng thầu không thể gia hạn thời hạn hợp đồng. Do đó, khi gần đến hạn kết thúc hợp đồng, các bệnh viện sẽ mở đơn đặt hàng với số lượng lớn để dự trữ hàng hóa thay vì phải chờ đến hợp đồng đấu thầu kế tiếp. Vì vậy, Danameco bắt buộc phải xuất hóa đơn trước để kết thúc hợp đồng thầu và hóa đơn sẽ được giao cho bên mua (các bệnh viện) để thực hiện thủ tục thanh toán.
Về ý kiến thứ hai, Danameco giải thích do thời gian gấp rút để hoàn thành BCTC bán niên 2022 cộng với việc nhân sự cũ nghỉ việc, nên doanh nghiệp chưa thể bổ sung kịp thời hồ. Tuy nhiên, thực tế công ty có đầy đủ hồ sơ, chứng từ và hiện tại đã được lưu làm bằng chứng cho việc ghi nhận doanh thu và giá vốn tương ứng.
Đối với ý kiến ngoại trừ về hàng tồn kho và công nợ liên quan đến giá trị hàng tồn kho gần 9 tỷ đồng, Danameco cho rằng, công ty đã kiểm tra và xuất toàn bộ số lượng còn lại giao cho khách hàng trong tháng 6/2022. Tại thời điểm kiểm toán Danameco chưa thể thu thập được chữ ký trên phiếu xuất kho để bổ sung cho kiểm toán, nhưng hiện tại đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ chứng từ lưu trữ theo đúng quy định.
Về khoản “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho” tại ngày 30/06/2022 là hơn 1,7 tỷ đồng; Tại ngày 31/12/2021, công ty có đánh giá và dự phòng giảm giá hàng tồn kho là hơn 8,7 tỷ đồng và đã được công ty Danameco bổ sung hồ sơ cho công ty TNHH Kiểm toán – thẩm định giá và tư vấn Ecovis AFA Việt Nam.
Liên quan đến ý kiến thứ tư, theo Danameco, chênh lệch tài khoản phải trả BHXH giữa sổ sách với thông báo của Cơ quan BHXH số tiền hơn 1,3 tỷ đồng từ các năm trước, vì vậy công ty đã điều chỉnh phần sai sót này vào năm phát hiện sai sót làm tăng thu nhập khác.
Đối với ý kiến thứ năm, Danameco giải thích, một số máy móc thiết bị với nguyên giá hơn 37 tỷ đồng đang được Công ty dùng cho hoạt động liên kết theo Hợp đồng liên kết với Bệnh viện Trung trong Thái Nguyên . Theo Hợp đồng, hàng quý, hai bên sẽ quyết toán doanh thu, chi phí và trả lợi nhuận cho các bên căn cứ vào doanh thu và chi phí phát sinh từ hoạt động liên kết này, trong đó bao gồm cả phân chia chi phí khấu hao từ các máy móc thiết bị nêu trên.
Tuy nhiên, căn cứ vào báo cáo tài chính của các năm 2020 và năm 2021 thì toàn bộ chi phí khấu hao của các tài sản trên là hơn 13 tỷ đồng đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh các năm tương ứng của Công ty mà không phân bổ cho bên liên kết.
"Cho tới thời điểm hiện nay thì khoản đầu tư cho hoạt động này chưa phát sinh doanh thu, Về mặt chi phí Danameco đang tạm chi trả trước số chi phí liên quan đến hoạt động này, sau khi phát sinh doanh thu và lợi nhuận, Danameco sẽ điều chỉnh và thu lại số chi phí tương ứng mà Danameco đã thực tế chi trả”, Danameco lý giải.
Trên thị trường, cổ phiếu của doanh nghiệp y tế DNM vẫn đang trên đà điều chỉnh đi xuống và đặc biệt giảm sâu so với đỉnh cao đạt được trong 6 tháng gần nhất ở 63.300đ/cp. DNM đã có phiên giao dịch xanh tươi bất chấp thông tin tiêu cực về các điều chỉnh hậu kiểm toán BCTC bán niên và hiện đang được giao dịch ở 22.5. Tuy vậy, việc bổ sung DNM vào danh sách cổ phiếu không được phép giao dịch ký quỹ chắc chắn sẽ là một hạn chế khiến DNM khó trở mình hồi phục mạnh mẽ. Điều này cũng được cho là cần thiết để đảm bảo DNM nói riêng và các doanh nghiệp niêm yết sẽ chú trọng tuân thủ công bố thông tin đầy đủ, đúng định kỳ theo quy định và doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu áp lực trước cổ đông về khắc phục lợi nhuận sau thuế đang là số âm.