Người trồng mía vô vọng chờ nhà máy
Đã cuối tháng 3 rồi, nước hồ Sông Dinh 3 còn nhiều hơn năm ngoái. Năm nay, Hàm Tân không bị hạn. Tin vui với vùng đất này nhưng những ngày qua, nhiều hộ dân trồng mía ở đây quẹt nước mắt, cầu khấn trời đất hãy mang phép màu đến cho họ. Nỗi khẩn cầu chỉ là mía không bị cháy và có người đến mua mía càng sớm càng tốt.
Người dân Hàm Tân thu hoạch mía. Ảnh: N.L
Mới nghe tưởng là vở kịch nhưng thực sự khi vào vùng mía bạt ngàn của vùng Tân Phúc, Tân Đức đã qua tháng 3, chúng tôi mới hiểu hơn nỗi niềm ấy. Từ trước lẫn sau tết, chỉ có Nhà máy đường Bình Thuận mua mía lai rai. Còn thương lái mua mía lâu nay bỗng vắng hẳn, không giống như mọi năm, gần nhất như năm ngoái rộn ràng, cạnh tranh giá mua cho nhà máy đường này, nhà máy đường khác nữa.
Tình hình khiến người trồng mía như rơi vào vô vọng.
Còn ngoài đồng, mía tròn năm lại chưa thu hoạch và mỗi ngày qua là thêm một ngày, mía già đi. Cứ thế, đã nhiều tháng trôi qua, hiện mía ở 2 xã trên hầu hết đứng ở tháng 15, 16, thậm chí có ruộng mía đã già đến 17, 18 tháng. Thân mía hình như nhỏ lại, chìm lấp trong lá và lá lòa xòa, khô giòn đến độ nhỡ một tàn thuốc vô tình rơi cũng có thể gây bùng cháy trên diện rộng.
Trời Hàm Tân mùa này lại chang chang nắng, không một chút gió. Không gian hừng hực như chảo rang nên điều lo ngại ấy rất gần, rất thật. Hôm chúng tôi đến đã nghe tin mía ở thôn Suối Giêng-xã Tân Đức vừa bị cháy. Thiệt hại không nhiều, vì đây là ruộng mía lẻ nhưng điều ấy càng khiến người dân có ruộng mía chưa thu hoạch thêm nóng ruột, gan. Thói quen không rong lá quanh thân mía của dân nơi đây, đến lúc này mới thấy tai hại, vì nếu có cháy thì không có cách gì chữa được.
Ông Lê Văn Lợi ở thôn 1, Tân Đức là người đang lâm vào cảnh ấy. Ông đang chặt mía cho người khác mà cứ như đang chặt mía của mình, nhiệt tình và dốc lực. Bằng chứng đã quá 11h30 trưa mà ông và mấy nông dân khác chưa ngưng tay. Sự nhiệt tình ấy được ông lý giải rằng phải chặt cho nhanh, mới mong mau đến ruộng mía của gia đình.
Ruộng mía nhà ông rộng 3 mẫu, trong đó mía mới trồng năm ngoái có hợp đồng với nhà máy là 8 sào nhưng đến giờ, mía đã qua 16 tháng mà vẫn chưa đến lượt thu hoạch. Điều ông lo là không xác định được ngày chặt cụ thể, vì ngay ruộng mía ông đang chặt đây, mía chất đống đã 5 ngày nay vẫn chưa có xe của Nhà máy đường Bình Thuận vào chở.
Những ruộng mía khô rang, có thể bùng cháy bất cứ lúc nào. Ảnh: I.T
Mía ruộng bên cũng thế, đã phơi nắng nhiều ngày nay. Không thể cứ chặt phơi đồng được. Phải có xe vào chở đi xong xuôi mới lo chặt đến ruộng mía kế tiếp.
“Nếu nhà máy bố trí xe, chúng tôi dù không thành thạo nghề chặt mía, chặt không nhanh nhưng sẵn sàng kêu thêm người vần công nhau để đẩy nhanh thu hoạch mía” - một nông dân đứng gần đó phụ họa thêm. Như biết điều đó là không thể, ông Lợi chép miệng: “Mía khô hết rồi! Không biết thu hoạch xong vụ này, mía có tái sinh được nhiều không?”.
Thiệt hại kép
Chứng kiến cảnh mía chặt nằm phơi đồng, biết tiền của dân bị mất dần theo từng ngày nhưng chúng tôi cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc loan tin cho chính quyền, nhà máy đường biết nỗi nhọc nhằn của dân vùng mía, để có giải pháp cứu vãn phần nào. Bởi rất khó giải cứu như với dưa hấu, thịt heo… cần sự chung tay của cộng đồng.
Cảm giác “lực bất tòng tâm” khi rời khỏi ruộng mía khiến tôi cứ nhớ như in cảnh ông Lợi và những nông dân khác nói chuyện mà giống như họ tự an ủi nhau.
-Mía bị phơi như thế này, tỷ lệ đường sẽ giảm, chắc chắn không bán được giá cao là 840.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường đâu. Mía tui thu trước tết, chữ đường chỉ khoảng 8 hay 9 gì đó, giá chỉ được 750.000 đồng/tấn, bao luôn công chặt, khuân lên xe. 8 sào mía tơ, sau khi trừ hết chi phí phải trả, tui chỉ còn dư 7 triệu đồng. Nếu tính công nhà cả năm chăm sóc ruộng mía thì lỗ, hú hồn…
- Những người được thu hoạch trước tết như anh thì khỏe. Không lời nhiều nhưng được cái hậu là mía phát cành, nhánh đều, tốt, còn hy vọng mùa sau mía gốc cho thu hoạch tiếp gỡ gạc lại. Còn tụi tui đây mới chết, thu hoạch trễ, biết chắc lỗ và biết trước mía sẽ “tịt ngòi”, không phát sinh lấy đâu cho mùa sau.
- Mình còn hy vọng chờ đến lượt, chứ mấy người trồng ngoài hợp đồng với nhà máy, giờ không biết bán mía cho ai mới chết chứ. Nếu trong 1 tháng nữa mà không thu hoạch, chắc chắn mía “tịt ngòi” quá nửa ruộng. Chắc phải phá bỏ mía chứ biết làm sao. Đây đúng là hại kép.
“Hại kép” mà những nông dân trên xôn xao đang tiến đến rất gần. Ai trồng mía đều biết sự sinh trưởng của cây này rất đặc biệt. Nếu thu hoạch mía đúng thời gian trong vòng 11-12 tháng, như vùng mía Hàm Tân là cần chấm dứt vụ trước tết, thì thu được lợi kép. Đó là lượng đường trong mía sẽ cao, bán được giá có lời nhiều, đồng thời đó, gốc mía cũng có sức bật để nảy cây mới, tạo tiền đề cho vụ mía gốc bội thu.
Ngược lại, ở trong cảnh như hiện nay, mía già tháng mà chưa thu hoạch sẽ mang lại hại kép, vừa bị lỗ vụ trước mắt vừa có thể triệt tiêu luôn vụ sau. Vì thế, cả vùng xao xác vì mía, khi từng ngày chứng kiến cảnh thương lái mua mía vắng bóng, công chặt mía thì giành giật nhau, đẩy giá lên cao, còn ruộng mía khô dần từng ngày dưới nắng.
Và cả vùng cũng bế tắc vì mía, khi nghe nói đường nội xuống giá, không cạnh tranh nổi với đường ngoại, các nhà máy đường bị tồn hàng, đều ngưng mua mía, ngưng hoạt động. May mắn là Nhà máy đường Bình Thuận vẫn hoạt động như có thu mua mía trong hợp đồng, có bố trí 1 tổ chặt mía cho vùng Hàm Tân ngay từ đầu vụ ép nhưng hình như qua tết, tình hình có vẻ không cầm cự nổi.
Mía quá thời gian thu hoạch khiến trữ lượng đường giảm, người trồng mía thiệt đơn thiệt kép.
Đến giờ, Tân Đức, Tân Phúc vẫn còn khoảng 70 ha mía trong hợp đồng chưa thu hoạch. Chưa nói hơn 100 ha mía người dân tự trồng, không có thương lái nào hỏi mua. Chính quyền Hàm Tân đang làm văn bản đề nghị Nhà máy đường Bình Thuận đẩy nhanh mua mía giúp dân, một động thái như đề nghị giải cứu cho tình hình đang nghẹt thở ở vùng nguyên liệu đã hình thành từ thập niên 80 này.
Giấc mơ vùng khát
Nói đến Tân Phúc, Tân Minh, Tân Đức, người ta nghĩ ngay đến vùng nguyên liệu mía, dù có những thời điểm diện tích mía ở dải đất này xuống còn trên dưới 100 - 200 ha. Sự ấn tượng ấy có được bởi sự trầy trật trong phát triển của một vùng nguyên liệu, có lúc là điểm nóng, có lúc là điểm sáng nhưng hơn hết, qua đó thấy rõ tinh thần chịu khó của người dân nơi đây. Sức sống ấy xuất phát từ lẽ sinh tồn khi nơi này là vùng khát. Vùng khô hạn trồng được gì, ngoài những cây chịu được hạn như mía, mì…?
Mía là cây người dân nơi đây chọn trồng đầu tiên, hình thành một mặt hàng mua bán cũng đầu tiên trước khi mì, bắp, keo lai được giá lên ngôi. Từ thuở, người dân nơi đây muốn biến mía thành đường bằng cách lấy sức của bò để ép, sau đó tiên tiến hơn dùng đến máy nổ rồi bề thế hơn với những lò che ép mía.
Làng nghề mía đường hình thành bắt đầu từ đấy, từ bức xúc cho phát triển, trở thành điểm sáng khi giải quyết được đầu ra cây mía hiệu quả, nâng mức sống người dân vùng hạn, ngay cả thời điểm nhà máy đường cũng mua cầm chừng như lúc này. Nhưng rồi cũng đến lúc sản phẩm thủ công không thể cạnh tranh với sản phẩm của các nhà máy đường nên làng nghề giải thể. Tình tang vài năm và mãi đến năm ngoái, khi Nhà máy đường Bình Thuận xuất hiện trở lại đề nghị nông dân trồng mía và bây giờ lại xảy ra cảnh trên.
Chưa ai biết sắp tới vùng mía này sẽ như thế nào, bởi ngay cả ông Lợi và những nông dân khác cũng lặng im trước câu hỏi về kế hoạch của chính gia đình mình. Đó là câu hỏi cần nhiều thời gian để trả lời, bởi ngay cả bây giờ nước hồ Sông Dinh 3 đã chuyển đi nhưng vùng này vẫn khát. Phải chờ kênh chuyển nước Biển Lạc – Hàm Tân hoàn thành, mới mong dải đất ven quốc lộ này chuyển mình như chữ cái đầu trong tên gọi của 3 xã; Tân Minh – Tân Phúc –Tân Đức.