Doanh nghiệp gia đình được xem là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nghiên của PwC cho biết doanh nghiệp gia đình chiếm đến 66% GDP toàn cầu, đóng góp từ 60.000 – 70.000 tỷ USD.
Xuất hiện từ sớm ở Việt Nam, mô hình kinh doanh gia đình đã phát triển không ngừng kể từ khi được thừa nhận vào đầu những năm 1990. Số liệu của Forbes cho thấy 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đang đóng góp 25% GDP cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam cũng có nhiều gia tộc nổi tiếng và không ít trong số này thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như họ Phạm ở Vingroup, họ Trần ở ACB, họ Nguyễn ở Vietjet…
Sau 30 năm kể từ khi được thừa nhận chính thức cùng những thành công nhất định, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang đứng ở ngưỡng cửa mới: Sự chuyển giao giữa các thế hệ. Điều này đặt ra một bài toán khó với cộng đồng doanh nhân trong nước, vốn có sự đặc thù của bối cảnh kinh tế xã hội, hầu như chưa trải qua hết một thế hệ, hoặc nếu có cũng không quá rõ ràng. Hiện chỉ mới có một số ít doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển giao.
Giữa thế hệ sáng lập và kế cận cũng gặp không ít khó khăn về văn hoá, quản trị… trong quá trình chuyển giao quyền lực. Nhiều vấn đề có thể rất mạch lạc, dễ dàng đối với các công ty bình thường nhưng trở nên cực kỳ phức tạp, thậm chí nhạy cảm khi đặt vào câu chuyện gia đình. Chuyện tranh chấp tài sản thừa kế ở Tập đoàn Hoàn Cầu là một ví dụ điển hình.
Thời điểm hiện tại là giai đoạn quan trọng cho một sự thay đổi, tìm hiểu sâu về doanh nghiệp gia đình bởi người Việt luôn mơ đến có ngày đất nước sẽ có nhiều thương hiệu trăm năm tuổi, được truyền từ đời này sang đời khác, nổi danh trên thế giới.
Với mục tiêu đó, từ ngày 2/7/2019, báo Trí Thức Trẻ sẽ khởi đăng tuyến bài về câu chuyện kinh doanh của những doanh nghiệp gia đình nổi tiếng ở Việt Nam với hy vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc những điều hữu ích,thú vị về loại hình doanh nghiệp đặc thù này.