Bạn đến sân bay cho chuyến bay sáng sớm gồm nhiều chặng, và hiểu rằng các công đoạn sắp thực hiện cần phải rất chặt chẽ để mọi thứ đúng với lịch trình. Bạn nhìn vào bảng khởi hành và thấy đèn đỏ nhấp nháy bên cạnh số hiệu chuyến bay của bạn. Chuyến bay bị hoãn. Các công đoạn bạn sắp xếp đã bị gián đoạn và bây giờ bạn sẽ cần phải tính đến việc thay đổi toàn bộ hành trình của mình.
Tuy nhiên, đối với du khách đi qua sân bay Haneda của Tokyo, viễn cảnh trên xảy ra ít hơn rất nhiều so với các sân bay còn lại trên toàn thế giới. Đó là bởi vì Haneda là một trong những sân bay đúng giờ nhất trên hành tinh.
Haneda, hay còn được gọi là Sân bay Quốc tế Tokyo, là sân bay đông thứ năm trên thế giới, đón gần 87 triệu hành khách vào năm 2018. Nó vượt qua các sân bay quốc tế lớn như Chicago O'Hare, (83 triệu) Heathrow (80 triệu) và Hồng Kông (74,5 triệu) về lượng hành khách.
Mặc dù có lưu lượng hành khách khổng lồ như vậy, Haneda đã thực hiện 85,6% chuyến bay đúng giờ vào năm 2018, biến nơi đây trở thành sân bay lớn đúng giờ nhất trên thế giới - một kỳ tích khi con số trung bình đối với sân bay có quy mô tương đương chỉ là 77,1%.
Đó là theo dữ liệu từ nhóm phân tích hàng không OAG. Công ty đã xem xét 58 triệu hồ sơ chuyến bay từ năm 2018 để đưa ra đánh giá. Ấn tượng hơn, Haneda luôn giữ vững sự đúng giờ của mình, và đã được trao danh hiệu này trong bốn năm liên tiếp.
Vậy làm thế nào để cửa ngõ của Tokyo đón tiếp khối lượng khách du lịch khổng lồ như vậy trong khi vẫn hoạt động hiệu quả, sạch sẽ và đón tiếp họ một cách nồng nhiệt?
Sự đúng giờ đó một phần nhờ vào sự quyết tâm cao độ của các nhân viên, những người được trợ giúp bởi một loạt các công nghệ tiên tiến được sử dụng trên toàn sân bay.
Xử lý hành lý: Một mắt xích quan trọng
Ở phía khu vực bay nội địa, những người bốc dỡ hành lý của Japan Airlines phải xử lý khoảng 17.000 hành lý mỗi ngày. Họ là một mắt xích quan trọng trong sự đúng giờ của các hoạt động bay, và họ phải cực kỳ nhanh nhẹn khi hãng hàng không đặt mục tiêu thời gian vận chuyển hành lý từ máy bay đến hành khách chỉ trong 10 phút. Họ thậm chí phải tiến hành các bài tập giãn cơ vào đầu mỗi ca để ngăn ngừa căng cơ.
Và nhằm tăng hiệu quả, hãng hàng không đang thử nghiệm một bộ đồ robot mới có tên ATOUN Model Y.
Bộ đồ này sẽ tăng cường hỗ trợ cho nửa dưới của cơ thể, sử dụng động cơ và cảm biến để dự đoán những trường hợp cần sự hỗ trợ cơ học. Sự hỗ trợ của nó tập trung vào phần lưng dưới, khiến hành lý trở nên nhẹ hơn và giảm áp lực vật lý lên cơ thể.
"Với thiết bị này, tốc độ và độ chính xác của hoạt động đã được cải thiện", theo ông Kotaru Shintani, giám sát viên xử lý trên mặt đất của Japan Airlines cho biết. Ông nói thêm rằng những bộ đồ trên sẽ giúp giảm tỷ lệ kiệt sức vào cuối ngày của những người bốc dỡ hành lý.
Tương tự như Model Y, Japan Airlines và ATOUN đang nỗ lực tạo ra một thiết bị hỗ trợ cánh tay. Họ hy vọng công nghệ này sẽ giúp xử lý nhiều hàng hóa hơn và tăng số lượng công nhân vì công việc ít đòi hỏi thể lực hơn.
"Tôi làm việc với một niềm tự hào khi chúng tôi có thể đảm bảo rằng các chuyến bay luôn cất cánh đúng giờ", Shintani nói.
Tầm quan trọng của sự đúng giờ trong văn hóa Nhật Bản
Cam kết về sự đúng giờ cũng được lan tỏa đến các khu vực khác của sân bay.
Tại khu vực các chuyến bay quốc tế, khách du lịch được chào đón bởi một trải nghiệm rất khác biệt, rất "Nhật Bản".
Trên tầng lửng phía trên khu vực check-in, có một khu vực được mô phỏng theo phong cách Nhật Bản đầu thế kỷ 17, bao gồm một bản sao của cây cầu Nihonbashi được xây dựng từ gỗ cây bách Yoshino.
Phố mua sắm theo phong cách thời Edo có 30 nhà hàng phục vụ sushi, yakitori và oden cho các thực khách vội vàng. Trong số đó có Katsusen, một nhà hàng chuyên về tonkatsu, hay còn gọi là món thịt lợn chiên. Nhà hàng này phục vụ khoảng 300 thực khách mỗi ngày, và đối với phần lớn trong số họ, thời gian là vàng bạc.
Theo quản lý của Katsusen, ông Hideyaki Kimihara, khả năng đối phó với áp lực phụ thuộc hoàn toàn ở suy nghĩ của các nhân viên. Nhiều nhân viên của Haneda đã được giáo dục để coi việc đúng giờ là bất khả xâm phạm ngay từ khi còn trẻ.
"Người dân Nhật Bản được nuôi dưỡng với quan niệm đó", ông nói. "Một khi bạn đã trưởng thành, tầm quan trọng của việc đúng giờ đã luôn tồn tại bên trong bạn."
Chất lượng trường tồn cùng thời gian
Sự đúng giờ không phải là yếu tố duy nhất khiến sân bay này trở nên phổ biến với những hành khách thường xuyên.
Trong sáu năm qua, sân bay Haneda đã đạt được đánh giá chất lượng năm sao từ Skytrax. Chỉ có 12 sân bay đã được chứng nhận năm sao và Tokyo Haneda là sân bay duy nhất trong số năm sân bay đông nhất thế giới được trao danh hiệu "hạng nhất".
Haneda còn được trao giải "Sân bay sạch nhất thế giới" bởi Skytrax World Airport Awards, và đã nhận được giải thưởng "Japan Toilet Award" từ chính phủ Nhật Bản nhờ vào các cơ sở vật chất hiện đại và được gìn giữ cẩn thận.
Trong khi đó, Haneda đứng vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng "Sân bay tốt nhất thế giới của Skytrax năm 2019", tăng một bậc so với năm trước. Haneda còn nhận thêm giải thưởng cho "Sân bay nội địa tốt nhất thế giới" và giải thưởng cho sân bay có cơ sở vật chất tốt nhất cho hành khách bị hạn chế khả năng di chuyển.
Sân bay cũng rất thuận tiện vì cách ga Tokyo - ga đường sắt trung tâm của thành phố chưa đầy nửa giờ đi tàu. Narita, sân bay chính khác của Tokyo, cách ga trung tâm một giờ đi tàu.
Ngày càng có nhiều hành khách ghé thăm
Hiện tại, Haneda kết nối khách du lịch đến 49 sân bay ở Nhật Bản, và 80% tổng hành khách là khách nội địa.
Nhưng khi Thế vận hội Tokyo 2020 đang đến gần, những mục tiêu đầy tham vọng được đặt ra, đó là tăng số lượng khách quốc tế đến Nhật Bản vào năm tới, và Haneda sẽ là một cửa ngõ chính của đất nước.
Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản hy vọng sẽ đón 40 triệu khách du lịch vào năm 2020, gần gấp bốn lần so với năm 2013. Để tạo điều kiện cho sự phát triển, Haneda đang bổ sung thêm 50 đường bay quốc tế vào lịch trình chuyến bay hàng ngày của mình và tiến hành sắp xếp lại các nhà ga.
Thách thức đối với Haneda sẽ là việc duy trì các tiêu chuẩn cao như vậy đối với lượng khách khổng lồ ngày càng gia tăng.
Tham khảo CNN