Những phân tích di truyền học đăng trên tạp chí Nature Ecology & Evolution cho thấy dù đã thích nghi với cuộc sống bên con người, thực chất loài mèo gần như không thay đổi qua hàng nghìn năm.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Leuven, Bỉ đã phân tích mẫu ADN lấy từ xương cốt có niên đại từ 100 đến 9.000 năm của 200 con mèo được khai quật tại các địa điểm khảo cổ ở Cận Đông, châu Phi và châu Âu. Các mẫu nghiên cứu bao gồm hài cốt của mèo Rumani cổ đại, xác ướp mèo Ai Cập và mẫu vật mèo rừng châu Phi hiện đại. Đây là những dòng họ mèo chính đã góp phần hình thành giống mèo nhà mà chúng ta biết ngày nay.
Tổ tiên của những con mèo nhà ngày nay xuất hiện ở Tây Nam Á và lan rộng tới Châu Âu ngay từ năm 4400 TCN. Nông dân thuộc các khu vực Lưỡng Hà, Levant và Ai Cập 8.000 năm trước đã chấp nhận sự có mặt của mèo rừng vì chúng đã bảo vệ hạt giống của họ khỏi các loài động vật gặm nhấm.
Chuột bị thu hút bởi cây trồng và các sản phẩm nông nghiệp khác. Loài mèo cũng vì vậy mà thường xuyên tiếp cận các khu dân cư của con người.
“Đây có lẽ là cách cuộc chạm trán đầu tiên giữa con người và mèo xảy ra. Con người không thuần hóa loài mèo, mà gần như là chúng đã tự thuần hóa bản thân,” nghiên cứu sinh Claudio Ottoni của Đại học Leuven cho biết.
Dòng họ thứ hai bao gồm những con mèo châu Phi được tôn thờ ở Ai Cập. Từ khoảng năm 1500 TCN, chúng xuất hiện và trở nên đông đúc ở Địa Trung Hải và hầu hết phần còn lại của Cựu Thế giới (phần được người châu Âu biết đến trước khi Cristoforo Colombo phát hiện ra châu Mỹ vào năm 1492). Dường như loài mèo Ai Cập này đã hấp dẫn con người bằng những hành vi thân thiện và thuần hóa.
Ảnh: Egypt Today
Những nông dân di cư sau đó đã mang theo mèo nhà tới nhiều khu vực khác nhau. Các thủy thủ cũng mang theo mèo trên tàu buôn để bắt chuột dọc theo các tuyến đường thương mại. Điều đó càng giúp loài mèo đã thuần hóa nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu.
Bằng cách so sánh DNA của mèo qua những mốc thời gian trong lịch sử, các nhà phân tích khẳng định loài mèo đã sống cùng con người từ thời cổ đại trước cả khi chúng được con người thuần hóa nhiều hơn.
Điều đáng ngạc nhiên là, mèo hoang và mèo nhà không có sự khác biệt lớn về cấu tạo gen. Một trong số ít đặc điểm giúp chúng ta có thể phân biệt giữa hai loài là bộ lông vằn đốm trên mèo mướp.
Cuộc nghiên cứu đã làm sáng tỏ sự xuất hiện muộn màng của màu lông đốm sọc ở những con mèo mướp được thuần hóa vào thời Trung Cổ. Theo nghiên cứu cho thấy, bộ gen quy định màu lông của mèo mướp vốn đã có từ thời Đế chế Ottoman ở Tây Nam Á và sau đó trở nên phổ biến ở Châu Âu và Châu Phi.
Ảnh: The Dodo
Tuy nhiên, đến thế kỷ 18, giống mèo mang đặc điểm này mới dần trở thành mèo nhà. Đến thế kỷ 19, những người yêu thích mèo bắt đầu chọn những con mèo này để tạo ra những giống mèo được ưa chuộng. Điều này trái ngược hoàn toàn so với chó vì đây là loài được lựa chọn để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác nhau. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự đa dạng về các giống chó ngày nay.
Nhà di truyền học tiến hóa Eva-Maria Geigl cho biết: “Tôi nghĩ việc đưa mèo vào quy trình lựa chọn như vậy là không cần thiết bởi ta không cần phải thay đổi chúng. Bản thân chúng vẫn luôn là những sinh vật hoàn hảo.”
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, song không thể phủ nhận rằng mèo là một trong những vật nuôi phổ biến nhất trên thế giới hiện nay với khoảng 74 triệu con mèo sống trong các gia đình ở Mỹ. Ottoni nói: “Chúng tôi đang cố khám phá ra những điều đáng kinh ngạc về nguồn gốc, sự tiến hóa và tác động của loài mèo đối với con người. Việc nghiên cứu thêm về loài này sẽ mở ra nhiều thứ hơn về quá trình thuần hóa.”
Tham khảo National Geographic