Mỗi ngày đều có một công ty lớn gia nhập danh sách "tẩy chay" hoạt động quảng cáo trên Facebook để phản đối sự thất bại của nền tảng này trong việc ngăn chặn những thông điệp thù địch. Chỉ trong ngày 29/6, Adidas, HP và Ford đã trở thành những cái tên mới nhất có mặt trong "danh sách" đã bao gồm The North Face, Unilever, Coca-Cola, Honda và nhiều công ty khác.
Dù sự "quay lưng" của những thương hiệu nổi tiếng đã khiến giá cổ phiếu Facebook rớt thảm và ban lãnh đạo phải giải quyết một số mối lo ngại, nhưng việc kìm chế sự "thống trị" của công ty này trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số vẫn khó có thể thực hiện được.
Năm 2019, doanh thu của Facebook từ quảng cáo là 69,7 tỷ USD, chiếm hơn 98% tổng doanh thu cả năm. Hơn nữa, hầu hết phí quảng cáo lại không đến từ những công ty như Starbucks và Coca-Cola, mà là từ những doanh nghiệp vừa và nhỏ - sử dụng Facebook để thu hút khách hàng và xây dựng thương hiệu .
Theo thông báo hồi năm ngoái, Facebook có tới 8 triệu nhà quảng cáo. Trong số đó, 100 thương hiệu chi tiền nhiều nhất chiếm tới 4,2 tỷ USD giá trị hoạt động quảng cáo vào năm ngoái, tương đương 6% doanh thu quảng cáo của nền tảng này, theo công ty nghiên cứu marketing Pathmatics. Lần cuối cùng Facebook công bố số liệu đó là vào tháng 4/2019, khi COO Sheryl Sanderg cho biết 100 nhà quảng cáo đại diện cho "dưới 20%" tổng doanh thu quảng cáo.
Nicole Perrin – nhà phân tích tại eMarketer, cho hay: "Facebook có số lượng khách hàng sử dụng quảng cáo rất lớn. Chắc chắn rằng họ phụ thuộc khá nhiều vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ."
Ngay cả khi đối mặt với tình trạng tẩy chay lớn chưa từng có, số lượng nhà quảng cáo trên nền tảng này vẫn có thể giúp họ tránh được những rủi ro về tài chính lớn. Đồng thời, một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ đó là liệu nhiều nhà quảng cáo lớn và nhỏ có đủ khả năng để rời bỏ một nền tảng lớn mạnh mà họ đã nỗ lực xây dựng thương hiệu từ lâu.
Đối với tất cả các khoản đầu tư lớn của Facebook vào các sản phẩm AI và AR, cũng như nhiều doanh nghiệp khác ở Thung lũng Silicon, thì quảng cáo vẫn là hoạt động kinh doanh cốt lõi đối với họ. Sự đổi mới giúp sinh lời nhiều nhất của Facebook không phải là kết nối người dùng với nhau, mà là một công cụ thiết yếu cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô. Họ sử dụng dịch vụ của nền tảng này để kết nối với khách hàng ở khắp mọi nơi chỉ bằng 1 nút bấm. Facebook có thể cung cấp cho các nhà quảng cáo cả quy mô lẫn mức độ "nhắm đến mục tiêu" không tưởng.
Có lẽ, nội dung miêu tả chính xác nhất về hoạt động kinh doanh đã được đưa ra vào phiên điều trần của CEO Mark Zuckerberg trước Thượng viện vào năm 2018. Khi đó, được hỏi về các công ty cung cấp dịch vụ miễn phí cho người dùng bằng cách nào, ông trả lời: "Thưa Thượng nghị sĩ, chúng tôi chạy quảng cáo."
Bởi vậy, có thể thấy, doanh thu mà Facebook có được từ quảng cáo đã tăng lên cùng với cơ sở và số lượng người dùng. Năm 2009, doanh thu quảng cáo của công ty trong cả năm là khoảng 761 triệu USD, theo số liệu được eMarketer tổng hợp.
Trước đây, Facebook có 350 triệu người dùng hàng tháng. Hiện tại, các nhà quảng cáo trên nền tảng của họ đã tiếp cận được với 2,6 tỷ người dùng hàng tháng và 1 tỷ người khác trên Instagram. Nền tảng quảng cáo cho phép họ điều chỉnh đối tượng nhìn thấy quảng cáo dựa theo độ tuổi, giới tính, địa điểm và các đặc điểm khác và theo dõi hiệu suất theo thời gian thực.
Dịch vụ này đã trở thành một yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ khi họ không có tiềm lực tài chính như những công ty lớn để chạy quảng cáo trên truyền hình. Điều này thực sự biến Facebook trở thành nhân tố thứ hai trong sự độc quyền quảng cáo kỹ thuật số cùng với Google. Hai công ty này chiếm tới hơn 1 nửa tổng chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số và gần 30% tổng chi tiêu quảng cáo trên truyền thông tại Mỹ vào năm ngoái, theo eMarketer.
Tuy nhiên, mối quan hệ của Facebook đối với ngành quảng cáo trong thời gian gần đây đã có chút căng thẳng. Một trong những tranh cãi lớn nhất xảy ra vào năm 2016, khi Facebook thừa nhận đã tính toán sai một số số liệu quảng cáo, bao gồm lượt xem video và phạm vi tiếp cận đối với các trang kinh doanh. Vụ việc này đã cho thấy Facebook có phần vô trách nhiệm. Ngoài ra, năm 2018, Facebook cũng đối mặt với khó khăn khi vướng vào bê bối Cambridge Analytica.
Tuy nhiên, việc từ bỏ hoàn toàn nền tảng này lại là điều không hề dễ dàng. Dù đã nhiều lần hứng chịu "gạch đá", nhưng "cỗ máy" quảng cáo có tiềm lực mạnh của Facebook vẫn tiếp tục hoạt động.
Và dù "điệp khúc" tẩy chay của các thương hiệu lớn dường như cũng không thể khiến hoạt động cốt lõi của Facebook yếu đi, thì những tiêu đề tiêu cực trên các mặt báo cũng khiến công ty náo loạn. Tuần trước, công ty của tỷ phú Mark Zuckerberg đã tổ chức một buổi họp từ xa với khoảng 200 nhà quảng cáo, trong đó có một giám đốc điều hành của họ thừa nhận rằng có sự "sụt giảm niềm tin" cần phải giải quyết.
Các thương hiệu lớn đồng loạt quay lưng với Facebook đều có ngân sách quảng cáo rất lớn và nhiều phương tiện khác để quảng bá sản phẩm. Theo CNN, một số đang cân nhắc về những lựa chọn thay thế bao gồm những đối thủ của Facebook như Amazon, Google hay những nền tảng tiếp cận đến giới trẻ nhiều hơn như TikTok và Snapchat.
Dẫu vậy, hàng triệu doanh nghiệp nhỏ với "túi tiền" hạn chế hơn có thể không sẵn sàng cắt sợi dây kết nối với Facebook. Perrin cho hay: "Tôi cho rằng việc các doanh nghiệp nhỏ và thương hiệu nhỏ cùng tẩy chay là điều tương đối khó xảy ra, bởi họ là những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều nhất vào Facebook để tiếp cận khách hàng."
Trong khi đó, ngay cả những thương hiệu tham gia tẩy chay có thể cũng không thể rời bỏ nền tảng này lâu dài. Nhiều thương hiệu trong đó cho biết rằng họ chỉ tạm dừng quảng cáo trên Facebook trong tháng 7 hoặc chỉ ngừng ở thị trường Mỹ. Không phải tất cả trong danh sách này đều khẳng định rằng họ sẽ dừng quảng cáo trên Facebook và Instagram.
Cuối cùng, Perrin chỉ ra rằng nhiều công ty đã cắt giảm chi phí cho quảng cáo trên tất cả các phương tiện truyền thông trong năm nay vì đại dịch Covid-19, kể cả trên Facebook.
Tham khảo CNN