Tháng trước, trong chiến dịch gây sức ép buộc Bắc Kinh phải thay đổi chính sách thương mại, ông Trump đã chính thức gắn mác Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Nhưng trong 1 động thái có nguy cơ làm xói mòn vị thế trọng tài phân xử của IMF, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin mới đây đã âm thầm thúc đẩy IMF phải thay đổi quan điểm. Vài tuần trước, IMF khẳng định nhân dân tệ đang ở mức giá trị hợp lý và tuyên bố không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh bóp méo tỷ giá hối đoái.
Theo Bloomberg, Mỹ - cổ đông lớn nhất của IMF, đang gây áp lực cho tổ chức này ngay tại thời điểm nhạy cảm khi IMF trải qua cuộc chuyển giao quyền lực vì bà Christine Lagarde ra đi để ngồi vào ghế Chủ tịch NHTW châu Âu. Động thái mới của Mỹ cũng đem đến một góc nhìn khác về tình trạng căng thẳng của cuộc chiến thương mại.
Các quan chức IMF đang phải hành xử rất khéo léo để không bị lôi vào cuộc chiến kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và chắc chắn Kristalina Georgieva, người được cho là sẽ kế nhiệm bà Lagarde trên cương vị giám đốc điều hành IMF trong vài tuần nữa, sẽ phải hết sức lưu ý đến vấn đề này.
Trong thông báo buộc tội Trung Quốc ngày 5/8, Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ làm việc với IMF để xóa bỏ những hành vi không công bằng trong chính sách điều hành tỷ giá của Trung Quốc. 2 ngày sau, ông Mnuchin đã có cuộc thảo luận với quyền giám đốc David Liopton của IMF để lập kế hoạch điều tra nhân dân tệ.
Đáp lại thông báo này, IMF đã quyết định không bình luận công khai về vấn đề này. Thay vào đó, IMF đã sử dụng bản báo cáo thường niên về sức khỏe kinh tế Trung Quốc để truyền đi thông điệp của mình. Cho đến nay IMF vẫn chưa bắt đầu bất kỳ thủ tục chính thức nào để làm việc với Bộ Tài chính Mỹ về chính sách tiền tệ của Trung Quốc, mà thay vào đó đang có kế hoạch làm dịu bớt thái độ căng thẳng của phía Mỹ, nguồn tin thân cận cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mnuchin lại suy nghĩ theo cách khác. Hôm 28/8, ông nói rằng IMF và Trung Quốc sẽ có "những cuộc thảo luận song phương".
Có nhiều dấu hiệu cho thấy IMF đã gián tiếp phủ nhận quan điểm của ông Trump về đồng nhân dân tệ. Trả lời phỏng vấn ngày 13/8, James Daniel – trợ lý giám đốc của văn phòng IMF khu vực châu Á Thái Bình Dương – cho rằng "năm 2018 tỷ giá nhân dân tệ ở mức hợp lý với các yếu tố cơ bản trong trung hạn, không bị định giá quá cao cũng như quá thấp". Ông cho biết IMF sẽ phân tích tỷ giá nhân dân tệ sâu hơn vào năm 2020, theo lộ trình thông thường.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng tuần trước cũng dẫn lời Longmei Zhang, phó trưởng đại diện của IMF ở Trung Quốc, cho biết nhân dân tệ "được đánh giá là phù hợp với các yếu tố cơ bản".
Sự bất đồng giữa IMF và Bộ Tài chính Mỹ đã xuất hiện từ trước khi Trung Quốc bị gắn mác thao túng tiền tệ. Hồi tháng 7, trước khi nhân dân tệ phá ngưỡng 7, Mỹ đã thúc giục IMF sử dụng báo cáo thường niên về Trung Quốc để kêu gọi ngăn chặn đồng tệ giảm giá. Một nhóm gồm hơn chục quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã đến IMF và cho rằng tổ chức này nên kêu gọi Trung Quốc tăng giá nhân dân tệ chứ không phải ủng hộ chính sách tỷ giá linh hoạt.
Tuy nhiên họ đã thất bại và IMF không thay đổi kết luận của mình.
Mối quan hệ giữa chính quyền Trump và IMF có thể sớm được cải thiện. Ông Mnuchin ủng hộ bà Georgieva lên nắm chức giám đốc IMF và bản thân hai người cũng có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp. Theo dự kiến đến đầu tháng 10 phía Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép lên IMF về vấn đề Bắc Kinh, sau khi bà Georgieva chính thức nhậm chức.
Một lựa chọn mà Mỹ có thể dùng đến là yêu cầu lập "đội đặc nhiệm" ở IMF để điều tra chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Đây sẽ động thái chưa từng có tiền lệ và có thể bị Trung Quốc ngăn chặn.