Sáng ngày 18/1, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại VNCB, TPBank, Sacombank và BIDV có phiên xét hỏi cuối cùng trước khi bước vào phần tranh tụng. Phiên tòa tạm nghỉ giai đoạn 1 và làm việc trở lại vào ngày 22/1 tới đây.
Một nội dung đáng chú ý của 2 phiên xử cuối cùng trong phần xét hỏi, là đại diện Ngân hàng Xây dựng (VNCB cũ, nay là CB) chiều ngày 17/1 đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên đòi Sacombank, BIDV và TPBank phải hoàn trả hơn 6.126 tỷ đồng cho ngân hàng CB. Ngoài ra, 46 bị cáo trong vụ án cùng các tổ chức, cá nhân khác, bao gồm cả các cá nhân gây thiệt hại cho VNCB nhưng không bị xử lý hình sự, cũng phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường một phần trong số 6.126 tỷ cho Ngân hàng Xây Dựng.
Sáng 18/1, luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho Ngân hàng Sacombank và đại diện TPBank đã đồng loạt lên tiếng trước tòa về việc "đòi tiền" này.
Theo đại diện TPBank, việc ông Phạm Công Danh làm trái, làm mất tài sản thì ông Danh phải chịu trách nhiệm. Theo nội dung Hội đồng xét xử đã làm rõ những ngày qua thông qua việc xét hỏi các bị cáo và người liên quan thì toàn bộ nguồn tiền vay từ TPBank đã được sử dụng để tăng vốn, trả cho bà Hứa Thị Phấn, nhóm Trần Ngọc Bích, công ty Hải Tiến, trả lãi ngoài và các khoản chi khác, tổng cộng hơn 1.740 tỷ đồng.
Đại diện TPBank dẫn kết luận giám định cho thấy, TPBank không bị thiệt hại, mà thiệt hại thuộc về Ngân hàng Dây Dựng. Vì vậy ngân hàng này cho rằng nếu HĐXX phán quyết rằng Ngân hàng Xây Dựng bị thiệt hại thì đề nghị HĐXX xem xét thu hồi từ các nguồn tiền được sử dụng nêu trên.
Còn phía Sacombank không bày tỏ quan điểm riêng nhưng đề nghị Ngân hàng Xây Dựng lên để trực tiếp hỏi. Sacombank hỏi, "việc các ông tính toán thiệt hại là dựa vào cơ sở nào?", thì Ngân hàng Xây Dựng nói họ dựa vào cáo trạng và kết luận điều tra (chứ không có quan điểm riêng - pv), và việc bồi thường ra sao sẽ do HĐXX quyết định.
Đại diện Sacombank cũng cho biết việc Ngân hàng Xây Dựng đòi tiền các ngân hàng là mới phát sinh sau ngày 4/1, và họ băn khoăn tại sao ngân hàng Xây Dựng lại không tự mình xác định thiệt hại từ trước mà lại phải chờ đến bây giờ? Vị đại diện CB nói rằng họ xác định tư cách tham gia vụ án thế nào thì xác định quyền, tư cách và nghĩa vụ theo tư cách đó.
Trước đó, trong suốt quá trình xét hỏi, các luật sư và các bị cáo đã đề cập nhiều lần đến việc trong số hơn 6.126 tỷ đồng được cho là thiệt hại của Ngân hàng Xây Dựng thì có 4.500 tỷ là do các cổ đông nộp vào để tăng vốn từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ. Tuy nhiên khi không được NHNN chấp thuận cho tăng vốn, thì, theo quan điểm của Ngân hàng Xây Dựng, nguồn tiền này đã được hòa vào dòng tiền chung và tiêu hết, và ngân hàng cũng không hạch toán vào khoản nợ phải trả. Phía ngân hàng đồng thời cũng xác nhận 4.500 tỷ ấy đã xuất hiện trong tài khoản của VNCB tại NHNN trong giai đoạn từ ngày 14/2 – 27/6/2014.
Còn các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Xây Dựng nói số tiền đó là của 22 cổ đông góp vốn vào, có đầy đủ chứng từ. Ngân hàng khi không được tăng vốn, theo quy định thì phải trả lại tiền cho cổ đông. Đồng thời khoản tiền ấy vẫn nằm trong tài khoản treo của ngân hàng, được ngân hàng gửi liên ngân hàng để lấy lãi. Do vậy khi xác định thiệt hại phải trừ đi khoản 4.500 tỷ đồng bởi chính Ngân hàng Xây Dựng đã dùng để trang trải các chi phí hoạt động của ngân hàng chung chứ không phải cho riêng các bị cáo. Đồng thời các bị cáo cũng đề nghị truy hồi dòng tiền để khắc phục hậu quả vụ án.
Một diễn biến khác có liên quan, khi được hỏi về việc VNCB gửi tiền ở Sacombank, TPBank, BIDV có hợp pháp không, cũng như các khoản tiền mà 3 ngân hàng tất toán các khoản vay của các công ty và cá nhân ở các ngân hàng này bằng tiền gửi của VNCB có đúng không, thì cơ quan Giám định NHNN có chung câu trả lời là dòng tiền vào và ra đúng theo quy định, không có thiệt hại xảy ra ở 3 ngân hàng này.
Các vấn đề về nguồn tiền đúng sai thế nào, có truy hồi hay không, thiệt hại thực chất thuộc về ai và bao nhiêu sẽ được tòa án làm rõ trong tuần sau.