Dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 , ngành vận tải đường sắt năm 2020 ước tính lỗ gần 1.400 tỷ đồng, ảnh hưởng không ít đến đời sống của người lao động. Tuy nhiên, không chỉ có khó khăn từ đại dịch, 4 tháng đầu năm, việc chậm giao nguồn vốn quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đã khiến hơn 11.000 người lao động thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục gặp khó khi bị chậm lương. Nhiều lao động đang đứng trước nguy cơ phải bỏ việc.
Tại trạm chắn km87 + 630 thuộc tỉnh Nam Định, khi điện thoại reo, còi báo tàu chuẩn bị qua trạm, chị Quỳnh cùng 3 đồng nghiệp nhanh chóng thực hiện công việc đảm bảo an toàn cho tàu chạy, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VTV sau công việc, giữa cơn mưa tầm tã, chị Vũ Thị Quỳnh, làm việc tại công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh, Nam Định cho biết, thu nhập của chị cùng đồng nghiệp những tháng qua cũng buồn như hình ảnh những ray tàu dưới mưa.
"Tôi ứng lương hàng tháng, kể ra bảo kể lể nhưng đúng là khó thật…", chị Vũ Thị Quỳnh nói.
Chị Đào Thị Bích Liên, Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh, Nam Định cho hay: "Tôi được 1,8 triệu đồng/tháng tiền ứng. Chồng tôi cũng trong ngành được được 2,2 triệu đồng/tháng tiền ứng. Tiền ứng của hai vợ chồng mới được 4 triệu đồng/tháng".
Cùng làm ở trạm chắn, bữa cơm ngày mưa của 3 bố con anh Đình Văn Giang đạm bạc rau, đậu. Mức lương chỉ trên 5 triệu sau 23 năm công tác vốn đã chẳng cao, nay anh Giang giờ chỉ mong được trả đủ để lo cho 2 con đều đang tuổi lớn ăn học khi vợ anh đã mất hơn 1 năm trước vì ung thư.
"Tôi vừa vay mượn để đóng được học phí cho hai cháu, hơn 2 triệu đồng. Khi nào anh em bảo có việc làm thêm, nếu rảnh tôi lại đi", anh Đình Văn Giang, Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh, Nam Định nói.
Gần 600 người lao động của Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh, mỗi người một cảnh, song đều phải chắt bóp để sống được với khoản tạm ứng ít ỏi suốt 4 tháng qua khi chính công ty cũng đang vật lộn vay mượn để tạm ứng cho nhân viên.
Trong khi đó, theo đại diện của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, do những vướng mắc về cơ chế pháp luật nên đến thời điểm này, đơn vị vẫn chưa được Bộ GTVT giao nguồn vốn quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia khiến doanh nghiệp gặp khó và buộc phải nợ lương hơn 11.000 lao động.
Trên dưới 20 năm gắn bó, chị Quỳnh, anh Giang cùng nhiều lao động vẫn cố bám trụ với nghề, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu. Tuy nhiên, nếu cuộc sống của chính những lao động này không tiếp tục được đảm bảo câu chuyện về dứt áo ra đi bởi miếng cơm, manh áo là điều khó tránh khỏi.