Theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân phải tiến hành đăng ký trực tuyến với Bộ Công Thương về việc thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Việc này thực hiện sau khi website đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng.
Điều này đồng nghĩa là việc bán hàng online sẽ bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, trong trường hợp hoạt động bán hàng online qua việc thiết lập website nhằm cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn không ít người mơ hồ, chưa hiểu và thực hiện đầy đủ quy định, khi bị phạt hàng chục triệu đồng mới "ngã ngửa".
Ví dụ gần đây nhất, ngày 25/4/2024, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh BM SAĐÉC, địa chỉ tại Khóm 4, phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp do bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện hộ kinh doanh đang thực hiện hoạt động kinh doanh bách hóa tổng hợp, và có hoạt động kinh doanh bán hàng thông qua website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến. Tuy nhiên, chủ cơ sở không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra Đội Quản lý thị trường số 1 còn phát hiện hộ kinh doanh có hành vi vi phạm công bố không đầy đủ, không chính xác trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website theo quy định.
Do đó, lực lượng chức năng đã lập hồ sơ, xử phạt vi phạm hành chính về 2 hành vi vi phạm nêu trên, với tổng số tiền 18 triệu đồng.
Một ví dụ khác, tiếp nhận thông tin do Tổ trưởng Tổ công tác về thương mại điện tử Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang chuyển, Đội Quản lý thị trường số 5 đã xác minh, thu thập chứng cứ về dấu hiệu vi phạm đối với 2 doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
Căn cứ kết quả thẩm tra, xác minh thông tin, trong 2 ngày 27/3 và 4/4/2024, Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra đột xuất tại trụ sở các doanh nghiệp trên địa bàn các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tiền Giang.
Kết quả, xác định 2 doanh nghiệp này đang mua bán hàng nông sản, máy vi tính, máy photocopy, thiết bị điện trực tuyến trên website thương mại điện tử bán hàng. Kênh này có chức năng đặt hàng trực tuyến nhưng không thông báo với Bộ Công Thương.
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 trường hợp này về hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Đến nay, đã thu phạt tổng cộng 60 triệu đồng.
Theo đại diện Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ, và nhận thức về việc phải làm thông báo, đăng ký website hoặc ứng dụng thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương.
"Mặc dù từ lâu thủ tục này đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, thông tư số 47/2014/TT-BCT, Nghị định số 185/2 013/ND-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại. Các quy định này yêu cầu tất cả các website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng đều phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương", đại diện Cục thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết.
Vẫn có những thắc mắc về lợi ích khi có dấu xác thực từ Bộ Công Thương. Có thể hiểu rằng, để có được sự công nhận này, doanh nghiệp phải trải qua các khâu kiểm duyệt thông tin. Từ đó, là bước đầu củng cố lòng tin của khách hàng, giúp khách hàng an tâm hơn khi ra quyết định mua hàng, sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Doanh nghiệp khi nhận được xác nhận của Bộ Công Thương là điều cần thiết giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu tên tuổi của mình trên thị trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể nhận về những quyền lợi khi tuân thủ đúng quy định của pháp luật, việc thực hiện giao dịch trực tuyến được đảm bảo bởi pháp luật, tạo dựng được niềm tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ.