Khi Singapore giành độc lập năm 1965, đảo quốc này có rất ít bạn bè và thậm chí tài nguyên thiên nhiên còn ít hơn. Vậy thì Singapore đã làm cách nào để trở thành một trong những trung tâm thương mại và tài chính hàng đầu thế giới? Theo như giải thích của ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng đầu tiên của nước này, chiến lược là "phát triển nguồn tài nguyên duy nhất mà Singapore có: con người".
Ngày nay, hệ thống giáo dục của Singapore được coi là tốt nhất thế giới. Singapore nằm trong top đầu thế giới theo xếp hạng PISA – chương trình đánh giá học sinh quốc tế do OECD khởi xướng, chú trọng 3 kỹ năng chính là toán học, đọc hiểu và khoa học của học sinh độ tuổi 15. Theo xếp hạng này trình độ toán học của học sinh Singapore vượt trội so với học sinh Mỹ khoảng 3 năm. Học sinh ở lứa tuổi thấp hơn cũng làm rất tốt và có thể tìm thấy học sinh Singapore được chọn vào nhiều trường đại học tốt nhất của thế giới.
Đảo quốc sư tử có nhiều thứ để dạy thế giới, nhưng các quốc gia khác không phải lúc nào cũng sẵn lòng học theo. Nguyên nhân là vì Singapore ưa chuộng lối giáo dục truyền thống, trong đó giáo viên là người dẫn dắt lớp học – trái ngược với nhiều mô hình cải cách trong đó giáo viên chỉ là người hướng dẫn và khuyến khích học sinh tự tìm tòi. Mặc dù có nhiều nghiên cứu quốc tế cho thấy hướng dẫn trực tiếp là 1 cách tốt để truyền đạt kiến thức, những người phê phán chỉ trích mô hình của Singapore tạo ra những đứa trẻ kém sáng tạo và chỉ giỏi dập khuôn máy móc.
Tuy nhiên Singapore cho thấy không nhất thiết học sinh giỏi chuyên môn thì sẽ bị yếu kém về kỹ năng cá nhân. Năm 2015 học sinh Singapore cũng đứng đầu bảng xếp hạng PISA mới được thiết kế để đánh giá khả năng hợp tác giải quyết vấn đề, thậm chí phần này còn đạt điểm cao hơn cả kỹ năng đọc hiểu và khoa học. Báo cáo cũng cho thấy học sinh Singapore cảm thấy vui vẻ, thậm chí còn vui vẻ hơn cả trẻ em ở Phần Lan – đất nước mà nhiều nhà nghiên cứu giáo dục coi là ví dụ về cách làm thế nào để đạt được kết quả vượt trội bằng những phương pháp giáo dục mềm mỏng hơn.
Hệ thống giáo dục Singapore đang triển khai một loạt cải cách để thúc đẩy sự sáng tạo và giảm bớt áp lực. Đó không phải là dấu hiệu thất bại, mà ngược lại là cách tiếp cận mới mẻ của Singapore đối với cải cách giáo dục – một trong 3 bài học mà thế giới có thể học được từ nền giáo dục Singapore.
Trong khi các nước khác thường cải cách từng phần riêng rẽ, Singapore cố gắng cải cách toàn toàn bộ và có sự đồng nhất trong toàn bộ hệ thống. Nước này đầu tư rất nhiều vào công tác nghiên cứu giáo dục. Tất cả cải cách đều được thử nghiệm, kết quả được giám sát chặt chẽ trước khi triển khai, đặc biệt là tìm hiểu cách thức áp dụng các ý tưởng mới vào lớp học như thế nào. Những cuốn sách giáo khoa, giáo trình được biên soạn một cách cẩn thận.
Bài học thứ hai là phương thức tiếp cận đặc biệt của Singapore với giảng dạy, đặc biệt là toán học. Singapore chú trọng chương trình có phạm vi hẹp hơn nhưng sâu hơn, đảm bảo rằng cả lớp sẽ tiến bộ. Những học sinh yếu hơn bắt buộc phải tham gia học thêm để đuổi kịp các bạn. Một nghiên cứu năm 2016 chỉ ra rằng cách tiếp cận của Singapore đem lại kết quả tốt hơn so với các cách tiếp cận khác.
Bài học thứ ba và cũng là quan trọng nhất: tập trung phát triển đội ngũ giáo viên xuất sắc. Ở Singapore, các giáo viên trải qua 100 giờ đào tạo mỗi năm để cập nhật những kiến thức tiên tiến nhất. Singapore chấp nhận lớp học quy mô lớn (trung bình là 36 học sinh 1 lớp, so với con số 24 ở các nước OECD) với quan điểm những lớp học đông một chút nhưng được dạy bởi những giáo viên xuất sắc sẽ tốt hơn là lớp ít học sinh nhưng chất lượng giáo viên bình thường.
Giáo viên cũng được Chính phủ chi trả mức tiền lương hậu hĩnh. Những giáo viên giỏi nhất sẽ có được các vị trí trong bộ giáo dục với mức thưởng cao, và nhìn chung thì các giáo viên của Singapore được trả mức lương tương tự như các đồng nghiệp có trình độ tương tự làm trong lĩnh vực tư nhân. Và Singapore cũng có khung đánh giá chất lượng giáo viên hàng năm rất chặt chẽ, công bằng.
Hệ thống giáo dục Singapore không phải không có khiếm khuyết. Có thể các nước khác sẽ muốn tránh 1 sai lầm của Singapore: chia học sinh vào các trường lớp khác nhau dựa theo thành tích học tập từ khi 12 tuổi. Lợi ích của việc này chưa được chứng minh, trong khi nó tạo ra áp lực thi cử rất lớn. Hơn nữa ở hầu hết các nước, phụ huynh và công đoàn giáo viên sẽ không dễ dàng chấp nhận lớp học quy mô lớn như ở Singapore.
Tuy nhiên, với những gì hệ thống giáo dục này đạt được, Singapore vẫn là hình mẫu để nhiều nước học tập.