Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ vừa công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Quảng Ninh nhận được mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính cao nhất với 90,61%. Với kết quả này, tỉnh Quảng Ninh đã 5 năm liên tiếp giữ vững vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng Chỉ số SIPAS (2019-2023).
Trong năm 2023, một số chỉ số thành phần trong Chỉ số SIPAS của Quảng Ninh như: Việc ban hành, tổ chức thực hiện chính sách và việc cung ứng dịch vụ hành chính công đều đạt trên 90%, đứng đầu trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Những chỉ số thành phần về việc người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc; vấn đề bị trễ hẹn, bị phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực... của Quảng Ninh đều ở mức thấp và có xu hướng giảm từng năm.
Đối với Chỉ số PAR INDEX 2023, tỉnh Quảng Ninh cũng dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả đạt 92,18%. Như vậy, từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR INDEX cả nước (2017 - 2020 và 2022 - 2023).
Điểm nổi bật trong Chỉ số PAR Index của Quảng Ninh năm 2023 là các chỉ số thành phần có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2022. Đáng chú ý, chỉ số thành phần về công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính đạt điểm tuyệt đối với 9,5/9,5 điểm; chỉ số về cải cách TTHC đạt 99,53%, tăng 16 bậc so với năm 2022; chỉ số xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2022. Bên cạnh đó, Quảng Ninh vươn lên đứng thứ nhất trong chỉ số tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH của tỉnh, tăng 5 bậc so với năm 2022.
Kết quả xếp hạng các Chỉ số PAR Index và SIPAS năm 2023 đã mang đến một bức tranh khá toàn diện về chất lượng cung ứng dịch vụ công của Quảng Ninh. Kết quả đó cũng cho thấy tính bền vững cao, thể hiện sự nhất quán, đồng bộ trong cải cách hành chính, trong chỉ đạo điều hành của tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh không chỉ dồn lực cho một chỉ số nhất định mà quyết liệt thực hiện các giải pháp hiệu quả về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… với mục tiêu tiếp tục giữ vững thứ hạng dẫn đầu các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS và PAR Index của tỉnh.
Trong những năm qua, xác định việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là yếu tố mang tính then chốt để tạo môi trường hấp dẫn, thu hút nguồn lực đầu tư, Quảng Ninh luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ này.
Do đó, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu "hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI". Đồng thời xác định khâu đột phá là "Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI".
Để cụ thể hóa và lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả, có chiều sâu, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030. Việc triển khai Nghị quyết đã được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, có theo dõi, đánh giá, kiểm đếm thường xuyên.
Một trong những "chìa khóa" làm nên thành công trong công tác cải cách hành chính và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là việc Quảng Ninh thực hiện hiệu quả mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Hành chính công cấp huyện, cùng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.
Đến nay, 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xác thực định danh điện tử. 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được thiết lập, niêm yết, công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Bên cạnh đó, trên 77% hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí được thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công tác toàn trình cả 3 cấp đạt trên 82%, cao gấp 1,5 lần trung bình toàn quốc. Trên 72,9% tổng số hồ sơ giải quyết TTHC được số hóa theo quy trình 5 bước, số hóa từ khâu tiến nhận đến khâu trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt cao, đạt 99,7%.
Với những nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; công tác hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được quan tâm, có nhiều chuyển biến và kết quả cụ thể. Giai đoạn 2021 - 2023, Quảng Ninh thu hút FDI đạt trên 6,83 tỷ USD, vượt 37% mục tiêu đề ra. Đặc biệt trong năm 2023 thu hút FDI tăng kỷ lục ước đạt 5,0 tỷ USD.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng tiếp tục rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng nâng lên. Đội ngũ cán bộ công chức trong hệ thống chính trị đã hình thành văn hóa phục vụ, văn hóa cam kết, tận tâm, tận lực vì sự phát triển của địa phương….
Hiện nay, trong bối cảnh các tỉnh, thành phố đều nỗ lực, quyết tâm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tận dụng các xu thế, cơ hội mới của khoa học công nghệ để chuyển đổi số, Quảng Ninh hiểu rõ, có được vị thế, thứ hạng các chỉ số đã khó, giữ vững được vị thế, thứ hạng chỉ số càng khó khăn hơn.
Do đó, Quảng Ninh phải tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, làm đúng, làm nhanh hơn, làm tốt hơn, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân; đội ngũ CBCCVC, nhất là người đứng đầu luôn nêu gương, làm gương ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh; thật sự chí công vô tư, mọi việc đều xuất phát từ nhân dân, vì nhân dân. Bên cạnh đó, Quảng Ninh tiếp tục xây dựng và nhân lên hình ảnh, tác phong, cốt cách của CBCCVC Quảng Ninh chuyên nghiệp, kỷ cương, tận tâm, mẫu mực, năng động, sáng tạo vì người dân phục vụ.