Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt được những thành quả kinh tế-xã hội rực rỡ khi quy mô nền kinh tế của Quảng Ninh ước đạt trên 310.000 tỷ đồng trong năm 2023, gấp 1,5 lần so với năm 2020. Tốc độ trưởng kinh tế của địa phương đạt 11,03% - đây là năm thứ 9 liên tiếp (2015-2023) tỉnh Quảng Ninh tăng trưởng ước đạt 2 con số; đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 cả nước.
Đáng chú ý, cũng trong năm 2023, Quảng Ninh thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 55.600 tỷ đồng; tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với con số 3,1 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách ước đạt 1,9 tỷ USD.
Trong năm, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, con người của cả giai đoạn 2020 - 2025; đời sống người dân, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo được cải thiện, nâng lên rõ rệt. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt trên 9.500 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020, đứng đầu khu vực phía bắc, đứng thứ 2 cả nước…
Với những kết quả đạt được trong năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quảng Ninh đã thực sự "vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc" như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là những dấu ấn, thành tích nổi bật, đáng nhớ được tạo nên bởi tinh thần đoàn kết, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong một năm đặc biệt - Quảng Ninh tròn 60 tuổi.
Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong bối cảnh có những thuận lợi, nhưng cũng đối điện với nhiều khó khăn, thách thức. Điều đó cho thấy bản lĩnh vượt khó, khát vọng vươn lên tầm cao mới bằng những quyết sách, hướng đi đúng đắn và hành động quyết liệt.
Theo đó, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã sớm ban hành các nghị quyết, xác định chủ đề công tác năm là "Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân". Đồng thời chủ động xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó với từng tình huống cụ thể, trong đó xác định tập trung vào 3 trụ cột để tạo tăng trưởng.
Để khơi thông "điểm nghẽn" tạo bứt phá cho công nghiệp, xây dựng, cùng với phát triển bền vững ngành than và điện theo quy hoạch quốc gia, tỉnh chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, đóng góp lớn cho ngân sách. Đồng thời, Quảng Ninh còn tăng cường đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, để thúc đẩy các dự án thứ cấp trong KCN, KKT sớm đi vào hoạt động.
Để thu hút đầu tư , Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, có tổng só 1.771 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh. Toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo quy trình "5 bước tại chỗ" và "5 bước trên môi trường điện tử". Tất cả thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được thiết lập, niêm yết, công khai trên cổng dịch vụ công của tỉnh...
Hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng so với năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh đạt khoảng 3,142 tỷ USD.
Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, Quảng Ninh đã chủ động mở cửa sớm ngành Du lịch từ năm 2022 bằng cách khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược đã đi vào hoạt động; đẩy mạnh thu hút du lịch tâm linh, văn hóa ngay từ những tháng đầu năm; phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Uông Bí, Móng Cái, Cô Tô... tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh; chủ động khai thác mọi cơ hội để phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế… Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2023 đạt khoảng 15,5 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt 33.480 tỷ đồng.
Quảng Ninh còn chỉ đạo quyết liệt hoàn thành việc lập, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu; tập trung triển khai thực hiện quy hoạch, thu hút đầu tư sân golf trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch tỉnh.
Cùng với đó, tiếp tục tạo đột phá trong chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại chủ yếu bằng nguồn lực xã hội hóa dựa trên nguyên tắc "Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư"; thúc đẩy hình thành một cơ cấu xã hội tiến bộ theo hướng giảm nhanh người nghèo, gia tăng tầng lớp trung lưu, phát triển cân đối hài hòa giữa nông thôn và đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, không ngừng mở rộng phạm vi bao phủ và nâng cao chất lượng bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội...
Với những kết quả đột phá trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề ra mục tiêu cụ thể đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn 10% năm 2024, duy trì liên tục một thập kỷ đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số. Quảng Ninh cũng xác định chủ đề năm 2024 là: "Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh".
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, để giữ vững tăng trưởng kinh tế, tỉnh cần tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, chú trọng hoàn thiện hạ tầng kinh tế số gắn với việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp; giải quyết nút thắt về nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số để đáp ứng cho yêu cầu phát triển; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo.