Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp ("DN") sau khi hoàn tất kỳ họp Đại Hội đồng cổ đông thường niên cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2019 lại bắt đầu bước vào giai đoạn lập và trình bày báo cáo tài chính ("BCTC") giữa niên độ.
BCTC bán niên năm nay được lập trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên toàn cầu diễn biến vô cùng phức tạp, rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang chống chọi với những ổ dịch mới và với tâm lý có thể có làn sóng dịch thứ 2 bùng phát.
Điều này sẽ có tác động rất lớn đến các vấn đề lập, trình bày cũng như xem xét BCTC bán niên của DN. Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT - Viện Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), kiêm Chủ tịch HĐTV của Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam, chia sẻ với chúng tôi những lưu ý khi lập, trình bày và xem xét BCTC bán niên của DN trong bối cảnh này.
1. Thưa bà, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động thế nào đến BCTC giữa niên độ của DN Việt Nam?
Có thể nói, BCTC giữa niên độ năm 2020 thực sự là thước phim và những bức ảnh chụp phóng chiếu rõ nét tác động của đại dịch Covid-19 đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động của DN. Ví dụ như BCTC của các nhóm ngành hàng như hàng không, du lịch, dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng, giáo dục, dệt may, sản xuất ô tô… sẽ nhìn thấy sự suy giảm rất lớn trong kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; nhiều nhóm tài sản được vận hành và sử dụng dưới mức công suất bình thường, thậm chí ngừng sản xuất, việc suy giảm khả năng thanh toán, dòng tiền thu và thiếu hụt dòng tiền cũng sẽ được thể hiện rõ ….
Tuy nhiên những tác động nêu trên mới chỉ là sự ghi nhận lại những gì đã diễn ra trong thời gian qua, chắc chắn nhà đầu tư và những người quan tâm đến BCTC của DN còn muốn biết nhiều hơn ngoài những con số này.
2. Theo bà, DN sẽ cần lưu ý gì để chuẩn bị lập và trình bày BCTC trong giai đoạn này?
Trước tiên là các lưu ý về hệ thống kiểm soát nội bộ của DN. DN cần xem xét các quy trình kiểm soát nội bộ về hoạt động của DN, cũng như lưu ý đến quy trình về lập và trình bày BCTC giữa niên độ. Điều này đề cập đến các hoạt động kiểm soát nội bộ và các công cụ hỗ trợ của DN để đáp ứng đủ nguồn lực và khả năng, trên cơ sở liên tục, luôn xem xét, đánh giá và cập nhật kịp thời các ảnh hưởng của Covid 19 đến hoạt động của DN.
Hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả sẽ ứng phó tốt với các thay đổi trong môi trường kinh doanh, tiếp nhận thông tin và phân tích dữ liệu giúp cho nhà quản lý nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động kinh doanh và đưa ra các giải pháp hợp lý.
Sự gián đoạn hoạt động của nhiều công ty ở nước ngoài theo quy định cách ly trong thời gian vừa qua với việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, quy định nhân viên làm việc tại nhà, cũng như áp dụng giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động để thích ứng với tình hình mới đã dẫn tới những thay đổi đáng kể về quy trình hoạt động trong DN.
Bà Hà Thị Thu Thanh
Theo đó, các thủ tục kiểm soát nội bộ về hoạt động của DN cũng thay đổi theo. Điều này sẽ tạo những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chất lượng thông tin tài chính trong việc lập và trình bày BCTC của DN.
Trong khi cuộc khủng hoảng COVID 19 vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới, hệ thống kiểm soát nội bộ của DN luôn được kỳ vọng đủ mạnh và hiệu quả để không xảy ra những sai sót trọng yếu, làm sai lệch thông tin tài chính, trong đó, bao gồm cả rủi ro gian lận. Bên cạnh đó, quy trình lập và trình bày BCTC hữu hiệu sẽ đảm bảo các thông tin tài chính cũng như các ảnh hưởng của đại dịch này đến hoạt động của DN được ghi nhận và trình bày phù hợp trên BCTC và giúp người sử dụng đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp.
Lưu ý tiếp theo là đánh giá và trình bày các ảnh hưởng do Covid 19 đến hoạt động DN trên BCTC. Ảnh hưởng của các sự kiện liên quan đến COVID-19 xảy ra trong kỳ BCTC là vấn DN cần xem xét. Ví dụ những DN hiện đang khởi động trở lại các hoạt động xuất khẩu ra thị trường quốc tế cũng rất có thể phải xem xét trình bày công bố thông tin, đánh giá ảnh hưởng nếu có lệnh tạm dừng hoạt động này do có dấu hiệu không an toàn được quy định bởi chính phủ và cơ quan chức năng ở các nước sở tại.
Trách nhiệm công bố và giải trình về khả năng "Hoạt động liên tục" khi lập BCTC giữa niên độ hiện cũng là một lưu ý quan trọng với DN trước những thách thức và các yếu tố không chắc chắn của đại dịch này. Với những kịch bản kinh doanh theo các diễn biến khác nhau do ảnh hưởng của Covid-19, DN cần đưa ra một BCTC được đánh giá toàn diện, rõ ràng, nhất quán về tình hình hoạt động kinh doanh cũng như tình hình tài chính tương ứng cho từng kịch bản với thời gian đánh giá ít nhất là 12 tháng kể từ thời điểm kết thúc kỳ kế toán giữa niên độ, bao gồm cả việc trình bày các giả định và các biện pháp ứng phó khả thi do Ban Điều hành đưa ra.
3. Với các nhà đầu tư và những đối tượng quan tâm khác, bà có gợi ý gì khi tiếp cận BCTC bán niên của DN?
Với những gì trình bày trên đây, rõ ràng đại dịch Covid-19 đã có những tác động mạnh mẽ, trọng yếu đến rất nhiều khoản mục, thông tin trên BCTC bán niên cũng như toàn bộ BCTC giai đoạn này. Cách thức tiếp cận BCTC giữa niên độ năm nay sẽ không thể giống các năm trước.
Các nhà đầu tư và đối tượng quan tâm khác đến BCTC giữa niên độ cần có sự hiểu biết rõ nét tác động của Covid-19 đến từng nhóm ngành nghề, từ đó xem xét thông tin, yếu tố tài chính chịu ảnh hưởng trực tiếp được phản ánh trên BCTC, như các vấn đề về suy giảm giá trị hàng tồn kho, dự phòng các khoản lỗ khi thực hiện hợp đồng, dự phòng cho các nghĩa vụ tiềm tàng hoặc do không thực hiện điều khoản cam kết, điều kiện của các khoản vay, các điểm đứt gãy trong thanh toán, tính thanh khoản…
Bên cạnh đó, khi xem xét tính hoạt động liên tục của DN, cũng cần cân nhắc đến những gián đoạn trong hoạt động, các quy định pháp lý trong hợp đồng, tính nhất quán trong giải trình của Ban Điều hành. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác mang tính đặc thù về ngành nghề hoạt động, các quy định pháp lý mà cũng rất cần đến sự hiểu biết sâu sắc của người đọc BCTC.
Tôi cho rằng cùng với sự cẩn trọng và hiểu biết toàn diện về DN, chúng ta cũng cần có thái độ cởi mở và tin tưởng vào DN – những DN kiên tâm trước khủng hoảng, luôn linh hoạt để thay đổi và luôn tìm thấy "cơ" trong "nguy".