Trò lừa đảo gây khó chịu này bắt nguồn từ việc Uber đưa ra cái gọi là phí dọn dẹp nhằm vào khách hàng. Theo đó, khách làm đổ đồ uống ra xe sẽ bị phạt 20 USD, nôn mửa bị phạt 40 – 80 USD trong khi để nước tiểu, đồ nôn hay máu ảnh hưởng tới đồ nội thất, mức phạt là 150 USD.
Tuy nhiên, các tài xế đã lợi dụng kẽ hở trong quản lý của Uber để móc túi khách hàng. Theo đó, tài xế gửi những bức ảnh giả liên quan đến vụ việc mà họ báo cáo với Uber, dẫn tới việc ứng dụng này bắt đầu tính phí dọn dẹp nhằm vào khách hàng. Người sử dụng dịch vụ, sẽ chẳng có cách nào khác là trả tiền sau đó mới có thể khiếu nại.
Trong tuyên bố chính thức, người phát ngôn của Uber nhắc lại "các hoạt động lừa đảo, dưới bất cứ hình thức nào, đều vi phạm rõ ràng nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi. Chúng tôi liên tục đánh giá lại quy trình và công nghệ liên quan tới các khiếu nại này và sẽ có hành động thích đáng với các trường hợp gian lận bị phát hiện".
Hiện tại, Uber từ chối đưa ra con số chính xác về các trường hợp gian lận và khẳng định hầu hết các báo cáo về dọn dẹp là "hợp pháp". Nếu tài xế gian lận, Uber sẽ ngay lập tức xóa ứng dụng của tài xế và chấm dứt hợp đồng với họ. Phía công ty cũng khuyến khích người dùng báo cáo những trường hợp mà họ nghi ngờ là gian lận.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, người dùng đang tỏ ra thất vọng với cách bộ phận chăm sóc khách hàng của Uber xử lý các khiếu nại liên quan tới phí dọn dẹp. Với khoảng 15 triệu chuyến xe mỗi ngày, Uber khó có thể tránh khỏi những sự cố tương tự. Tuy nhiên, với khách hàng, đó không phải lời giải thích họ muốn nghe, nhất là khi quyền lợi của họ bị xâm phạm nghiêm trọng.
Những thất bại trong kinh doanh của Uber, có thể là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy họ cần phải xử lý ngay lập tức những bất cập trước khi vấn đề đi quá xa. Hiện tại, tất các các hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á đã bị Grab, đối thủ nhỏ hơn nhiều về quy mô, thâu tóm. Việc không am hiểu văn hóa địa phương cùng những chính sách không thực sự phù hợp với thói quen của người dùng khiến Uber bị Grab hất cẳng.
Tuy nhiên, việc rút khỏi Đông Nam Á giúp Uber ngăn quá trình đốt tiền đồng thời tập trung vào những thị trường truyền thống mà hãng này có thế mạnh như Mỹ và châu Âu. Sau hàng loạt bê bối, trong đó có việc nhà đồng sáng lập kiêm CEO Travis Kalanick bị sa thải, Uber đang hoạt động ổn định hơn.