Cụ thể, nhóm vấn đề hoạt động thương mại điện tử, nhóm vấn đề về hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia các Hiệp định thương mại tự do song và đa phương (FTAs) và nhóm vấn đề liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ khí cho ngành nông, lâm thuỷ hải sản.
Đối với nhóm vấn đề về giám sát, quản lý và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, thời gian vừa qua, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Bên cạnh những tiện ích và hiệu quả lớn đối với nền kinh tế, người tiêu dùng, thương mại điện tử đặt ra không ít thách thức, khó khăn và rủi ro cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng.
Rủi ro lớn nhất là vấn đề hàng gian, hàng giả và hàng kém chất lượng, đi cùng với vi phạm sở hữu trí tuệ gia tăng, khiến quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Điều này đặt ra thách thức lớn trong hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng công cụ, nhân lực để đối phó với các diễn biến tiêu cực của thương mại điện tử đối với người tiêu dùng.
Liên quan đến các FTAs và cơ chế thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 Hiệp định FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 03 Hiệp định và 01 khung khổ kinh tế (Khung khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF).
Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tận dụng tối đa các cơ hội có được, tính chuyên nghiệp và bền vững của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, hoạt động xuất khẩu nói chung, việc tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định FTA nói riêng còn một số tồn tại, hạn chế như: xuất khẩu tuy phục hồi tích cực nhưng chưa bền vững vì chịu ảnh hưởng mạnh từ các yếu tố bất ổn về chuỗi cung ứng và nhu cầu thị trường thế giới chưa phục hồi như kỳ vọng; xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào một số nền thị trường lớn; các doanh nghiệp FDI còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 73% năm 2023); hiệu quả khai thác các ưu đãi từ các Hiệp định FTA chưa cao như kỳ vọng…
Doanh nghiệp FDI hiện còn chiếm tỷ trong cao trong tổng xuất khẩu một phần nhờ lợi thế lớn về vốn đầu tư, hệ thống phân phối, thương hiệu, chuỗi cung ứng hoàn chỉnh nhiều năm ở phạm vi toàn cầu nên năng lực cạnh tranh cao trong xuất khẩu.
Đối với nhóm vấn đề chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua dù đã đạt được một số kết quả.
Trong đó, công nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được hàng loạt các loại máy gieo trồng và thu hoạch, góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Trên 90% số máy xay xát lúa, đánh bóng gạo, máy sấy là do các doanh nghiệp trong nước chế tạo đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đã được xuất khẩu đi các nước ASEAN, Châu Mỹ, Châu Phi. Ngoài ra, còn có nhiều dây chuyền thiết bị chế biến cà phê và hạt điều.
Tuy nhiên, thực tế triển khai các chính sách cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn từ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, từ khâu thiết kế chính sách cũng như năng lực hấp thụ của doanh nghiệp.
Một bộ phận doanh nghiệp CNHT chưa quan tâm, chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ; do nguồn lực hạn chế nên thường không có bộ phận chuyên trách để nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách ưu đãi.
Việc bố trí nguồn lực triển khai các chính sách, chiến lược về phát triển ngành cơ khí còn chậm và hiệu quả chưa cao, chưa phù hợp với thực trạng và trình độ doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.