Trong buổi kiểm tra thực tế tình hình quản lý, sử dụng đất tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, Bí thư Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, giải quyết tốt vấn đề đất đai cho doanh nghiệp là thước đo sự am hiểu về luật pháp của chính quyền, là thước đo đánh giá một môi trường đầu tư trong sạch, minh bạch.
“Quan điểm của lãnh đạo thành phố là khẩn trương rà soát, tạo điều kiện, bố trí quỹ đất một cách hợp lý cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố. Không để tình trạng các doanh nghiệp rời khỏi Đà Nẵng vì thiếu đất”, ông Nghĩa nói.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị BQL cần xem xét kỹ, triển khai các bước thu hồi, đền bù một cách phù hợp trên cơ sở vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa rà soát quỹ đất một cách hợp lý. Đồng thời cho biết, quan điểm của lãnh đạo thành phố là đất của KCN không thể sử dụng để làm kho bãi.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (phải) kiểm tra thực tế tại KCN Hòa Khánh. (Ảnh: Q. KHẢI)
Trước đó, ông Lê Hoàng Đức, Phó Trưởng ban Quản lý (BQL) Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, đề nghị lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương cho BQL làm việc với nhà đầu tư để thu hồi, đền bù tài sản và bố trí cho nhà đầu tư khác có nhu cầu.
Liên quan đến chủ trương của UBND thành phố giao khu đất có diện tích 43.670,5m2 thu hồi của Công ty TNHH MTV Thủy tinh Miền Trung cho Tổng cục Cảnh sát để xây dựng hệ thống kho của Cục 74 nhưng đến nay chưa triển khai, BQL đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét chọn vị trí khác ngoài KCN cho Tổng cục Cảnh sát nếu có nhu cầu tiếp tục đầu tư kho, đồng thời ưu tiên quỹ đất của KCN để bố trí cho nhà đầu tư có dự án sản xuất.
Về Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Hòa Khánh đã quá tải, ông Lê Hoàng Đức cho biết, UBND thành phố đã có chủ trương bán đấu giá, đề nghị Thành ủy thống nhất chủ trương này. Nếu được cho phép, BQL phối hợp với các đơn vị liên quan chọn hình thức chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác kết cấu hạ tầng theo hình thức đấu giá để chọn nhà đầu tư có tiềm năng triển khai nâng cấp và mở rộng Trạm XLNT KCN Hòa Khánh, không dùng nguồn ngân sách để đầu tư.
Trạm Xử lý nước thải KCN Hòa Khánh đã quá tải.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng đang lên kế hoạch chuyển đi các địa phương khác do gặp khó khăn trong việc tìm kiếm quỹ đất ở Đà Nẵng.
Theo các doanh nghiệp, ở Đà Nẵng không có mặt bằng sản xuất đúng quy định. Chất lượng hạ tầng và các dịch vụ tại những KCN của Đà Nẵng ngày càng tệ, chi phí phát sinh ngày càng cao. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang tính vào Quảng Nam hoặc Quảng Ngãi để thuê mặt bằng phục vụ sản xuất, kinh doanh.