Cho nhiều “gậy” nhưng vẫn tăng trưởng âm
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, huyện Thường Tín có nhiều lợi thế về phát triển, thời kỳ trước là địa phương rất mạnh về kêu gọi đầu tư nhưng sau này bị mai một dần.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan.
“Thường Tín có nhiều làng nghề, các sản phẩm đều xuất khẩu nước ngoài. Thứ hai nữa là lợi thế phát triển sản phẩm nông nghiệp vì có đất đai màu mỡ. Thứ 3 đó là phát triển về du lịch tâm linh” - bà Lan nói.
Ngoài ra, thành phố đã đưa ra quy hoạch đầy đủ đối với 22 khu công nghiệp ở trên địa bàn huyện Thường Tín. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên đã ảnh hướng đến công tác thu hút đầu tư của huyện trong những năm qua.
Bà Lan cho rằng, dù thành phố đã tạo điều kiện cho huyện Thường Tín nhiều chiếc “gậy” rồi nhưng địa phương không tận dụng được. “Lợi thế như thế này mà tăng trưởng âm là vấn đề đáng phải suy nghĩ” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đặt câu hỏi.
Dễ rơi vào nhóm bị tụt hậu
Phát biểu tại Hội nghị này, ông Vũ Đức Bảo - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đánh giá, đây là huyện “bình bình”. “Dù có đầy đủ thế mạnh, nguồn lực nhưng kinh tế xã hội của Thường Tín trong 5 năm qua không có gì nổi bật, dễ rơi vào nhóm bị tụt hậu” - ông Bảo nói.
Về công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ huyện, về cơ bản, Thường Tín đã đảm bảo được tiến độ chung. Tuy nhiên, Văn kiện Đại hội được chuẩn bị cho đến thời điểm này đang còn nhiều vấn đề như không có sức chiến đấu, không khắc phục được những tồn tại trong thời gian qua nên cần phải xem lại các chỉ tiêu để phát huy được thế mạnh của địa phương.
Theo ông Bảo, huyện cần phải nghiên cứu sâu vào vấn đề, các khâu đột phá, trọng tâm của địa phương trong thời gian tới là gì. “Buổi làm việc này là điều kiện rất thuận lợi để huyện tiếp cận những điểm mới, suy nghĩ giải pháp có tính đột phá. Thường Tín có 48 làng nghề, đây là điều kiện thuận lợi nên cần phải xác định đây là khâu đột phá. Thứ hai là cần đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ tới phủ kín 22 khu công nghiệp. Giải quyết được các việc này thì doanh thu sẽ được cải thiện”.
Ngoài ra, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị huyện Thường Tín cần tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, điểm nóng. Đặc biệt, huyện cần phải giải quyết dứt điểm các đơn thư trong nội bộ.
Không có “điểm nhấn” trong quy hoạch để tạo đà cho phát triển
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, đây được đánh giá địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế xã hội. Với đặc điểm có nhiều Quốc lộ (1A, 1B), vành đai, đường sắt, đường thủy. Đây là lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, dù có nhiều lợi thế nhưng Thường Tín không phát huy được. Đặc biệt, công tác điều hành, tổ chức để phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn qua chưa quyết liệt nên kết quả thấp hơn cùng kỳ.
“Công tác giải phòng mặt bằng, giải ngân, phát triển hạ tầng của Thường Tín cơ bản đều chậm. Ngoài ra, dù có nhiều lợi thế về đất nông nghiệp nhưng huyện khá mờ nhạt trong nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao” - ông Hùng chỉ rõ.
Cùng với đó, quy hoạch của huyện Thường Tín cũng nhiều bất cập cần phải điều chỉnh. “Dù có quy hoạch nhưng không có điểm nhấn để tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.
“Ở đâu có ánh đèn là ở đó có tăng trưởng”
Cho rằng các ý kiến rất thẳng thắn mang tính xây dựng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị huyện cần tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu các ý kiến của đại biểu TP tại cuộc họp. Có những vấn đề ngắn hạn và lâu dài, cần phải tiếp thu để thực hành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của huyện.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trong 6 tháng đầu năm 2020, do tác động của Covid-19 nhưng Thường Tín vẫn có nhiều nét nổi bật. Dù có 2 ổ dịch nhưng đã kiểm soát được, qua đó đã đóng góp vào thành công chung của thành phố.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm có thể tác động đến mục tiêu năm 2020 và cả nhiệm kỳ. Chính vì vậy cần đánh giá, phân tích kỹ việc này, cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. “Cùng trong bối cảnh đó, tốc độ tăng trưởng của Thành phố thì tăng thì huyện lại âm, mà âm này là tương đối lớn” - Bí thư nhắc nhở.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.
Cũng theo Bí thư Vương Đình Huệ, Thành phố rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng gấp 3 lần so với cả nước, trong bối cảnh khó khăn chung thì phải có tinh thần “góp gió thành bão”. Tinh thần thành phố đang hừng hực thì huyện cũng phải hưởng ứng, phải đóng góp vào đó.
Bí thư Hà Nội cho rằng, kinh tế của huyện Thường Tín phát triển toàn diện nhưng tính đột phá, bứt phá là chưa có. Quy mô nền kinh tế nhỏ, thu nhập bình quân thấp, thu ngân sách chỉ tăng 5,8%, không tương xứng với tăng trưởng kinh tế. “Chỉ tăng như vậy thì lấy đâu nguồn lực để đầu tư phát triển” - Bí thư nhấn mạnh.
Nhấn mạnh câu nói “Ở đâu có ánh đèn là ở đó có tăng trưởng”, Bí thư Vương Đình Huệ cho rằng, lẽ ra huyện phải khai thác, huy động hết nguồn lực đất đai. “66% diện tích đất nông nghiệp nhưng chỉ đóng góp 4,4% GDP, như vậy là quá thấp. Cùng với đố, tốc độ đô thị hóa chậm, cả Thủ đô được 50% mà Thường Tín chỉ được 2,8%, tôi bất ngờ về con số này.
Về Văn kiện Đại hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Thường Tín cần tiếp thu tinh thần tại cuộc họp để tiếp tục, bổ sung hoàn thiện để nâng cao chất lượng báo cáo chính trị.
Phải phát huy truyền thống “Đất danh hương, huyện anh hùng”
Nhắc lại đánh giá trước đó của Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo “Thường Tín vẫn là huyện bình bình”, Bí thư lưu ý: “Không khéo huyện cửa ngõ lại thành vùng trũng”.
Theo đó, Bí thư đề đề nghị huyện cần phải quán triệt phương châm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tăng tinh thần của xã hội, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu. Đặc biệt phải phát huy truyền thống “Đất danh hương, huyện anh hùng”.
Cho rằng khẩu hiệu “Đất danh hương, huyện anh hùng” của huyện rất hay, Bí thư cho rằng cần đưa vào văn kiện Đại hội.
Cùng với đó, báo cáo chính trị cũng phải phân tích đầy đủ tiềm năng, lợi thế động và tĩnh, những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức. Phải xác định đâu là khâu đột phá, đâu là nhiệm vụ trọng tâm. Nhiệm vụ và giải pháp phải bám sát vào thực tiễn.
Phát triển cụm công nghiệp, làng nghề, đó là làm tổ cho cả “đại bàng” lẫn “chim chích”
Về nhiệm vụ 5 năm tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội gợi ý, trọng tâm là phải hoàn thiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển Thường Tín. Phải tập trung cùng với thành phố xây dựng khu vực phát triển liên huyện.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.
Về giao thông, cần phải mở rộng Quốc lộ 1A cũ và nghiên cứu các đường gom, tận dụng các đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để làm trục phát triển đô thị. Trục phát triển kinh tế xã hội nên chăng là trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên. Quy hoạch phát triển Phú Xuyên - Thường Tín phải được định hướng là trục chính của cửa ngõ phía Nam.
Bí thư cũng đề nghị, huyện cần phải có tầm nhìn, tham mưu cho lãnh đạo TP nghiên cứu phát triển cực Nam một cách tương xứng. “Có vẻ hơi bị lệch, chưa đồng đều” - ông nói.
Nhấn mạnh huyện cần nghiên cứu để có đột phá hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, Bí thư đề nghị “Phải có chương trình phát triển cụm công nghiệp, làng nghề, đó là làm tổ cho cả đại bàng lẫn chim chích”. Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp để đầu tư vào các cụm công nghiệp, làng nghề. Nếu làm được điều này thì Thường Tín sẽ phát triển.