Tại "Tọa đàm về đô thị thông minh, hướng tới quy hoạch và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP. Hồ Chí Minh" do Tạp chí Nhà Quản Lý cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM tổ chức gần đây, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh quan điểm con người là trung tâm của đô thị hay đô thị là vì con người.
Theo ông Nhân, nếu không lấy con người làm trung tâm thì sẽ không có thước đo cho sự phục vụ và sáng kiến đều từ người dân mà ra.
Trong những chuyến đến Singapore, Bí thư TP. Hồ Chí Minh đều muốn trả lời câu hỏi: Tại sao một đất nước cách đây 54 năm là một đảo nghèo, một làng chài nhỏ không có lợi thế về diện tích lẫn dân số lại có thể vươn mình thành một nền kinh tế đứng thứ 35 trên thế giới. Hiện GDP đầu người của nước này cũng đang đứng thứ 9 toàn cầu.
Singapore cũng là 1 trong 10 quốc gia có mức sống cao nhất trên thế giới. Chỉ số phát triển con người của nước này cũng đứng thứ 9, tương đương thứ tự GDP bình quân đầu người.
Như vậy, ông Nhân cho rằng lý do chỉ có thể là việc đặt con người vào vị trí trung tâm.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà Singapore chưa giải quyết được trong 30 năm trở lại đây, đó chính là phụ nữ nước này quyết không chịu sinh con.
Theo số liệu ghi nhận, bình quân một người phụ nữ Singapore chỉ sinh 1,2 con. Và với tỷ lệ này, trong 100 năm nữa, dân số Singapore sẽ ít đi rất nhiều.
"Vì sao một nước có GDP thuộc top, phụ nữ không sinh, không lập gia đình? Họ không muốn điều này vì khi sinh con se thấy thiệt thòi, khó sống. Để đất nước bền vững thì phải sinh trung bình 2,1 người. Đây là tỷ suất sinh thay thế".
"Vậy chúng ta thiết kế đô thị này cho ai sống. Để sống và sinh ra 1,2 con hay sinh ra 2,1 con. Xây đô thị không chỉ vì con người mà vì gia đình. Chúng ta làm tất cả để gia đình họ hạnh phúc, muốn có con và có ít nhất 2 con".
Ông Nhân cũng nói rằng có một quốc gia khác ở châu Á, vì xu hướng độc thân tăng nên đã xuất hiện những căn hộ từ 12 – 15 m2 với tiện nghi phù hợp cho cá nhân.
"Tôi xem xong nghĩ 2 người sống thì không được", ông nói và giải thích nếu muốn một người kết hôn, có 2 con (tổng là 4) thì các căn hộ phải đủ sức chứa.
Theo ông, muốn người dân sinh con mà xây căn hộ nhỏ sẽ đi vào vòng luẩn quẩn: sinh ít, xây căn hộ nhỏ, không lập gia đình, không sinh.
Nếu người phụ nữ không sinh được hai con thì đất nước đó sẽ càng ngày càng chao đảo, ông cho biết.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sinh đang ở trong khoảng từ 2 – 2,09 trên phụ nữ, duy trì trong 18 năm nay. Nhưng ông Nhân cho rằng vẫn chưa thể yên tâm vì nếu làm không tốt, tỷ lệ này sẽ bị tụt xuống và một khi như vậy, sẽ rất khó để tăng trở lại.
Đánh giá Việt Nam có được thành tích này nhờ truyền thống và hệ thống trường mầm non, bảo hiểm tốt, nhưng Bí thư Nhân chỉ ra khó khăn đang nằm ở vấn đề thiếu nhà ở.
Theo ông, cứ mỗi 5 năm, TP. Hồ Chí Minh lại có thêm 1 triệu người dân và để giải quyết điều này sẽ là điều rất khó khăn.
Nhà ở, như ông phân tích, không chỉ là nhiều về nguồn cung, còn phải đảm bảo những yêu cầu như gần trường học, khu mua sắm… giúp dân cư giảm chi phí, dành nhiều thời gian cho gia đình.