Năm 1991, tại TPHCM cứ 3 DN thì có 1 của Nhà nước, 1 của tư nhân và 1 đầu tư nước ngoài. Đến năm 2006, cứ 1.000 DN mới thành lập thì chỉ có 1 của Nhà nước, 11 DN đầu tư nước ngoài. Năm 2018, trong 1.000 DN mới thành lập, chỉ có 1 DN nhà nước, 30 của nước ngoài, còn hơn 969 là tư nhân. Như vậy, trong những năm qua, DN của TPHCM thì tư nhân là chiếm chủ yếu về quy mô và cả về vốn.
Năm 1991, DN nhà nước chiếm 57% vốn của tất cả DN, nhưng năm 2018 chỉ còn chiếm 4%, còn DN tư nhân chiếm 85%. Trong 3 năm qua, TPHCM có 121.000 DN thành lập mới với số vốn 1 triệu 467 ngàn tỷ đồng. Nếu so với số DN đang hoạt động là 372.000 của TPHCM thì số DN thành lập 3 năm qua bằng 1/3 và vốn cũng bằng 1/3. Điều đó nói lên vai trò to lớn của DN tư nhân TPHCM, hiện nay đang đóng góp 63% tổng sản phẩm nội địa và hơn 41% thu ngân sách.
Trong 3 năm vừa qua, DN đang hoạt động tại TPHCM (chủ yếu là tư nhân) chiếm trên 50% tổng số DN cả nước. Cơ cấu đầu tư của các DN 3 năm gần đây về tổng thể thì hợp lý nhưng cũng có nhiều chỗ bất cập. Ví dụ số DN trong lĩnh vực bất động sản, các DN đầu tư chiếm 43% tổng vốn của các DN đầu tư, trong khi số DN bất động sản chỉ chiếm 6,1%; DN lĩnh vực chế biến chế tạo chỉ chiếm 6% tổng vốn và 10% DN; hai lĩnh vực công nghệ truyền thông và dịch vụ khoa học công nghệ có vai trò rất lớn đối với cách mạng 4.0 thì đầu tư tổng cộng chiếm 8% vốn, 13% về DN. Đây là những yếu kém và mất cân đối trong cơ cấu đầu tư và DN của TPHCM.
Hiện nay, TPHCM đang triển khai 5 giải pháp chủ yếu để hỗ trợ DN tư nhân. Đơn cử như trong 3 năm qua, TPHCM đầu tư 315 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học; đang duy trì sàn giao dịch công nghệ với 4.700 công nghệ được chào bán cho 800 nhà cung cấp và 100 tổ chức và chuyên gia tư vấn, 200 dự án đang tìm đối tác. Hàng năm, TPHCM tổ chức trao giải thưởng 100 DN tiêu biểu và 100 doanh nhân tiêu biểu..
Có 7 khó khăn mà doanh nhân TPHCM đang phải đối đầu, cần tìm giải pháp nhanh. Một là, thủ tục hành chính và quản lý nhà nước với DN còn rườm rà, lạc hậu so với nhiều nước. Thứ hai, luật pháp còn chồng chéo, chưa đồng bộ, mâu thuẫn, thời gian khắc phục quá dài. Thứ ba, thiếu vốn - nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng năng suất lao động thấp. TPHCM chiếm 52% DN cả nước nhưng các DN này chỉ chiếm 15% tổng vốn của các DN Việt Nam, như vậy nhu cầu vốn rất lớn.
Trong thời gian qua, năng suất lao động của ta thua kém các nước khá nhiều. Một nguyên nhân quan trọng là mức đầu tư cho một lao động của Việt Nam rất thấp: năm 2013 thua Nhật Bản 20 lần, thua Malaysia 6,5 lần tương đương mức tụt hậu về năng suất lao động. Thứ tư, tình trạng thiếu đất và nhà, cơ sở kinh doanh hoạt động không hiệu quả. Hàng chục ngàn DN ra đời ở TPHCM nhưng chưa có quy hoạch hạ tầng, phát triển dịch vụ, vì vậy cần có kinh phí quy hoạch hạ tầng, phát triển dịch vụ ở các TP lớn.
Thứ năm, Việt Nam chưa có chính sách tác động mạnh mẽ để khuyến khích phát triển DN công nghệ thông tin, khoa học công nghệ được thành lập nhanh chóng với số lượng lớn làm nòng cốt cho kinh tế tri thức và sản xuất dịch vụ. Thứ sáu, DN chưa có tập quán phối hợp và đặt hàng các cơ sở đào tạo để đào tạo nhân sự cho mình. Thứ bảy, sự hài lòng của DN chưa thực sự được chính quyền các cấp xem là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá việc cải cách hành chính đối với DN.
TPHCM tin rằng sau diễn đàn này, Chính phủ sẽ đổi mới chính sách và đáp ứng tốt hơn, nhanh hơn các nhu cầu của DN. Các địa phương cũng phải tự khắc phục yếu kém của mình, cùng với nỗ lực của DN, trong đó có TPHCM, để đưa đất nước ngày càng phát triển. TPHCM phấn đấu giữ sự vượt trội về năng suất lao động gấp 2,9 lần bình quân năng suất cả nước; thu ngân sách trên đầu 1 lao động bằng 3 tổng bình quân cả nước.
TPHCM sẽ thu hút mạnh mẽ DN tư nhân để triển khai đô thị thông minh, hợp tác với Bộ TT-TT triển khai công nghiệp và dịch vụ 4.0; đi đầu về dịch vụ viễn thông thế hệ 5. TPHCM cũng khẩn trương triển khai khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố, trở thành hệ sinh thái sáng tạo với quy mô lớn, góp phần lan tỏa khu vực phía Nam.
“Hy vọng tại diễn đàn lần tới, hầu hết các khó khăn của DN tư nhân được giải quyết, đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, DN hài lòng nhiều hơn để chúng ta hướng tới khát vọng Việt Nam 2045, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Mỗi người chúng ta phấn đấu để tự hào Việt Nam là một quốc gia mạnh về kinh tế tri thức và kinh tế số, là một đất nước dân chủ rộng rãi và sâu sắc, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, là quốc gia hạnh phúc, công dân hạnh phúc và gia đình hạnh phúc”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.