Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, kinh tế xã hội thành phố đang phục hồi mạnh mẽ sau một năm khủng hoảng trầm trọng do dịch bệnh COVID-19 . Quý I/2022, kinh tế TPHCM đang lấy lại đà tăng trưởng với mức +1,88%, so với mức -11,6% của quý IV/2021 và tiếp tục đóng góp đến 1/3 ngân sách cả nước.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên
Theo ông Nên, kinh tế số ngày càng trở nên mạnh mẽ và áp đảo kinh tế truyền thống. TPHCM đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% trong GRDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm 40%.
“TPHCM xây dựng kế hoạch hành động, quyết tâm thực hiện chương trình chuyển đổi số, đặt mục tiêu số đưa công nghệ tiên tiến vào đổi mới sáng tạo, trung tâm tư vấn chuyển đổi số hoạt động có hiệu quả hơn; chuyển sang đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2, hợp tác các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước thúc đẩy các đề án phát triển, giáo dục thông minh, y tế thông minh, chương trình nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, quyết tâm hình thành nhanh hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế thành phố” – Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nói.
Hơn 1.000 đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia Diễn đàn kinh tế TPHCM ngày 15/4 |
Ông Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những nỗ lực của thành phố và cho biết, về mục tiêu phát triển kinh tế số, TPHCM đã đặt ra các mục tiêu cao hơn cả nước , đến 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40%, tương ứng cả nước là 20% và 30%.
“Kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho DN, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế. Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TPHCM sẽ góp phần quan trọng thành công trên cả nước; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của thành phố và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực” - ông Khái nói.
Để thực hiện mục tiêu TPHCM đề ra, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị thời gian tới, TPHCM cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực.
Doanh nghiệp giới thiệu công nghệ mới |
“Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, rà soát các bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển” – ông Khái cho biết.
Đồng thời, thành phố cần tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế về chuyển đổi số ; triển khai nhanh chóng và hiệu quả vào các hoạt động thực tế của Thành phố. Ngoài ra, thành phố cần nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số.
Với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu trong và ngoài nước tham gia. Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2022 xoay quanh 4 chủ đề chính là: Bức tranh chung về chuyển đổi số trong DN ở TPHCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030; Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TPHCM: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030; Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN: thách thức và giải pháp; Chuyển đổi số trong DN: kinh nghiệm và bài học thành công của DN trong nước và quốc tế.