Sáng 17/2, UBND TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ, lắng nghe đề xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Chủ trì hội nghị có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng
Nỗi lo hạ tầng...
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, bà Đặng Thị Minh Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty MP Logistics, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM - nhìn nhận thách thức lớn nhất thời gian qua là việc sụt giảm nền kinh tế toàn cầu, thể hiện qua sự giảm mạnh trong luân chuyển hàng hóa. Cùng với đó, lãi suất vay cao, biến động giá nhiên liệu... là những vấn đề gây ảnh hưởng lớn đến ngành logistics.
"Ngành logistics có mức lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành, nhưng chi phí đầu tư lại rất cao, nên ngành thực sự rất khó cạnh tranh với các ngành khác. Chưa kể, hạ tầng giao thông của thành phố cũng chưa phát triển theo kịp tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế”, bà Phương nói.
Trước các tác động khó khăn, Chủ tịch Hiệp hội logistics TPHCM kiến nghị thành phố đề xuất trung ương giảm 50% phí hạ tầng đường bộ; đề xuất trung ương quan tâm giảm thuế bảo vệ môi trường. "TPHCM cũng cần bổ sung các tuyến đường trên cao, xây dựng trạm trung chuyển nội địa hiện đại để giảm áp lực cho tuyến đường bộ; quy hoạch hệ thống IDC giúp thúc đẩy vận tải hàng hóa và hành khách, thúc đẩy liên kết vùng”, bà Phương nêu ý kiến.
Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi - trao đổi tại hội nghị (ảnh: Ngô Tùng).
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM - cho biết, trong những tháng đầu năm 2023 khi một số ngành hàng phải cắt giảm nhân công, sụt giảm đơn hàng thì hầu hết các doanh nghiệp của ngành lương thực thực phẩm vẫn duy trì ổn định sản xuất, người lao động hoạt động hết công suất, góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành trong tháng 1 tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tín hiệu khả quan cho ngành lương thực thực phẩm.
Tuy nhiên, bà Chi bày tỏ băn khoăn với lãi suất cho vay của ngân hàng trên 10% thì các doanh nghiệp của ngành không thể kinh doanh có lãi. “Ngành chúng tôi đang sản xuất rất tốt nhưng lợi nhuận lại cực kỳ thấp, bởi vì đối với hàng nội địa muốn giữ ổn định giá, kích cầu thị trường thì buộc các doanh nghiệp phải hạ mức lợi nhuận xuống dưới 50 - 70%”, bà Chi cho biết.
Trao đổi thêm, bà Chi đề nghị thành phố siết chặt kỷ cương kỷ luật, nhất là cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các sở, ban ngành, lĩnh vực nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực chính quyền đô thị.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu ý kiến tại hội nghị.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam - nhìn nhận ngành du lịch thành phố có sự trở lại nhanh sau đại dịch, tuy nhiên hiện thành phố vẫn thiếu mục tiêu cụ thể cho năm 2025. TPHCM được đánh giá vào top 10, 15 điểm đến châu Á, thế nhưng mỗi doanh nghiệp có một mục tiêu khác nhau nên không kết nối được với nhau trong khi du lịch là một ngành kết nối.
Ông Kỳ cũng đề nghị thành phố định vị sản phẩm du lịch mang đặc thù riêng của mình để du khách còn biết đến với TPHCM vì điều gì. “Đó phải là sản phẩm lõi để từ đó phát triển thêm các sản phẩm nhánh. Cùng với đó, chọn một số sản phẩm có khả năng thúc đẩy kinh tế đêm”, ông Nguyễn Quốc Kỳ góp ý và kiến nghị thành phố nghiên cứu xây dựng Ban chỉ đạo thành phố về du lịch, chứ để riêng Sở Du lịch làm thì không đáp ứng.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Thủ Đức Trần Việt Anh cho biết, năm 2022 TPHCM đứng đầu cả nước về xuất nhập khẩu khi đạt kim ngạch 117.000 tỷ đồng trước 2 tháng mà trung ương đã giao cho thành phố. Tuy nhiên hàng hóa xuất khẩu của chính doanh nghiệp thành phố không chiếm tỷ trọng lớn.
Vị này cho rằng, TPHCM là điểm đến lớn của rất nhiều nhà xuất nhập khẩu thế giới nhưng hàng hóa lại không ở đây. Thực tế trong tỷ trọng xuất khẩu của TPHCM thì doanh nghiệp FDI chiếm 61%, doanh nghiệp tư nhân và nhà nước chỉ chiếm 39%.
Đội ngũ chiến binh xây dựng thành phố
Tổng hợp các ý kiến, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên ví von hội nghị gặp gỡ hôm nay tập trung nhiều thành phần nhưng đều cùng đứng trên một sân cỏ và chia ra làm 3 tuyến: Hàng tiền đạo là đội ngũ doanh nhân; hàng tiền vệ là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền và ông xem mình là thủ môn. Tất cả đội ngũ này cùng có một sứ mệnh chung là mang màu cờ sắc áo của thành phố để chiến đấu với tinh thần gần gũi, sát cánh, tinh thần chiến binh để góp sức xây dựng thành phố.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp (ảnh: Ngô Tùng).
Tổng hợp các ý kiến, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên ví von hội nghị gặp gỡ hôm nay tập trung nhiều thành phần nhưng đều cùng đứng trên một sân cỏ và chia ra làm 3 tuyến, trong đó hàng tiền đạo là đội ngũ doanh nhân; hàng tiền vệ là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền; ông Nên xem mình là thủ môn Theo ông Nên, tất cả đội ngũ này cùng có một sứ mệnh chung là mang màu cờ sắc áo của thành phố để chiến đấu với tinh thần gần gũi, sát cánh, tinh thần chiến binh để góp sức xây dựng thành phố.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận năm 2021 thành phố đã trải qua một năm thực sự chiến đấu với đại dịch và dù đã kiểm soát được nhưng cũng gặp “thương tích nặng nề và để lại di chứng lớn”. Năm 2022 vừa qua thành phố đã phục hồi, khắc phục hậu quả và phát triển kinh tế với những kết quả kỳ diệu.
“Trong giai đoạn chống dịch có nhiều lúc chúng ta không nghĩ mình sẽ kiểm soát sớm được vậy. Tuy nhiên, trong quá trình phục hồi thành phố cũng xem như đã cố gắng lấy lại những gì đã mất chứ không dám nghĩ sẽ đạt được như thế”, ông Nên bày tỏ.
Người đứng đầu Thành ủy TPHCM khẳng định, trong quá trình này, Đảng bộ, chính quyền thành phố đánh giá rất cao sự nỗ lực, đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp khi cùng nhau bật lên mạnh mẽ, giúp thành phố đạt được những kết quả vừa qua.
Lãnh đạo TPHCM và đại diện các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi bên lề hội nghị (ảnh: Ngô Tùng).