Liên quan tới thông tin Tỉnh ủy Thái Nguyên xin dừng siêu dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc do khó khăn trong thu xếp vốn, ông Trần Quốc Tỏ - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên tiếp tục khẳng định "không dừng dự án".
Về, văn bản số 246-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đề nghị cho phép thực hiện Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc sang giai đoạn sau năm 2020. Ông Tỏ cho biết chưa biết về văn bản này.
"Tôi với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy khẳng định Thái Nguyên chưa có chủ trương nào đề cập tới việc dừng dự án này. Hiện dự án vẫn đang được tiến hành bình thường", ông Tỏ nhấn mạnh.
Cho biết thêm, ông Phạm Đức Toàn - Trưởng ban Ban quản lý khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc cũng cho biết chưa nghe nói có thông tin nào sẽ dừng dự án khu du lịch Hồ Núi Cốc.
"Có thể tỉnh đang xem xét sẽ thực hiện dự án thời điểm nào và chưa nên thực hiện vào thời điểm nào thôi, chứ chưa thấy thông tin nào chỉ đạo sẽ dừng thực hiện dự án.
Tôi cho rằng, muốn thực hiện dự án chắc tỉnh phải huy động thêm nguồn vốn đầu tư từ xã hội hóa, nếu dựa vào nguồn lực từ ngân sách là rất khó khăn.
Hiện tại nguồn kinh phí đầu tư giai đoạn trung hạn cho Thái Nguyên từ nay tới năm 2020 đã được phân bổ hết, nhiều dự án đã được phê duyệt vẫn đang phải chờ vốn", ông Toàn cho biết thêm.
Trước đó có thông tin cho rằng, Thái Nguyên phải dừng siêu dự án liên quan tới đại gia Xuân Trường do gặp khó về nguồn vốn đầu tư.
Thông tin cụ thể cho biết, quyết định trên do tỉnh Thái Nguyên đưa ra sau khi kiểm điểm tiến độ 2 năm triển khai Dự án xây dựng khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư.
Theo đó, sau 2 năm triển khai, đến nay, một số dự án thành phần đã được nhà đầu tư khởi động, triển khai ngoài thực địa, nhất là các dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) gồm: Đường Bắc Sơn kéo dài; đường trục nối đường tỉnh ĐT 261 với Hồ Núi Cốc; tuyến đường ven Hồ Núi Cốc và các dự án đầu tư ngoài ngân sách do doanh nghiệp đầu tư như khu du lịch tâm linh, khu dịch vụ đón tiếp, khu làng văn hóa dân tộc và hai cổng vào khu du lịch Hồ Núi Cốc...
Thông tin còn cho biết, đã có khoảng gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách đã được chi cho công tác GPMB nhưng đến thời điểm này "siêu dự án" nhóm A này vẫn chưa được phê duyệt theo quy định.
Bên cạnh đó, hàng loạt khó khăn không dễ tháo gỡ như việc duy trì cao độ mực nước Hồ Núi Cốc cũng như ảnh hưởng đến 16 dự án đã được tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư trước đó.
Theo một số tờ báo, trước thực tế trên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo xin ý kiến và ngày 15/1/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Văn bản số 246-KL/TU cho phép thực hiện Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc sang giai đoạn sau năm 2020.
Tuy nhiên, khi trao đổi với Đất Việt, ông Hoàng Thái Cương - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thái Nguyên (KH-ĐT) khẳng định siêu dự án khu du lịch Hồ Núi Cốc vẫn đang triển khai bình thường.
Ông Cương cũng khẳng định, dự án đã được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, dự án gồm nhiều dự án thành phần, bao gồm tổng hợp các chức năng văn hóa tâm linh – du lịch sinh thái nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí. Tổng vốn đầu tư cho toàn dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng.