Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu trên 1,29 triệu tấn phân bón các loại, tương đương gần 530,66 triệu USD, giá trung bình 410,3 USD/tấn, tăng 8,5% về khối lượng, tăng 8% về kim ngạch nhưng giảm nhẹ 0,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu tăng 39% về lượng, tăng 25,4% kim ngạch nhưng giảm 9,8% về giá so với tháng 9/2023.
Khối lượng và kim ngạch xuất khẩu phân bón tăng, phải kể đến sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Cụ thể là Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, Hose: DCM) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).
Thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm là Campuchia. Thị trường này chiếm 32,4% trong tổng khối lượng và chiếm 32,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 418.893 tấn, tương đương 174,2 triệu USD, giảm 4,5% về lượng, giảm 5,8% kim ngạch. Giá trung bình đạt 415,9 USD/tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Đứng sau là thị trường Hàn Quốc đạt 146.063 tấn, tương đương gần 59,96 triệu USD, giá trung bình 410,5 USD/tấn, tăng 189% về lượng, tăng 218,3% kim ngạch và tăng 10% về giá, chiếm trên 11% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Xuất khẩu sang thị trường Malaysia đạt 92.055 tấn, tương đương 35,06 triệu USD, giá trung bình 380,9 USD/tấn, tăng 24,2% về lượng, tăng 41,9% kim ngạch và giá tăng 14,3%, chiếm 7,1% trong tổng khối lượng và chiếm 6,6% trong tổng kim ngạch.
Đáng chú ý, phân bón đang là một trong những mặt hàng được thị trường Nhật Bản tích cực nhập khẩu trong những tháng qua.
Cụ thể, trong tháng 9, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 2.974 tấn phân bón , tương đương 1,22 triệu USD USD, tăng 106% về lượng và tăng 135% về kim ngạch so với tháng 9/2023.
Lũy kế 9 tháng, Việt Nam thu về 10,1 triệu USD với 23,4 nghìn tấn phân bón xuất khẩu sang Nhật Bản, tăng mạnh 297% về lượng và tăng 305% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 40 mặt hàng chính xuất khẩu sang Nhật Bản, phân bón ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất.
Giá xuất khẩu bình quân 9 tháng đạt trên 430 USD/tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ 2023.
Đầu tháng 7/2024, Trung Quốc tiếp tục áp thêm các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với urê, phân bón gốc nitơ và phốt phát. Trong những năm qua, Trung Quốc là nhà cung cấp chính của hai loại này và những hạn chế mới có nguy cơ đẩy giá các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng trên toàn thế giới tăng cao. Đây là nguyên nhân khiến nhiều thị trường phải tìm nguồn cung cấp thay thế, trong đó có Việt Nam.
Hiện, Việt Nam vẫn đang chủ động được nguồn cung phân bón . Tổng công suất thiết kế sản xuất phân bón của cả nước đạt khoảng 20,7 triệu tấn, trong đó phân bón vô cơ là 16,1 triệu tấn, hữu cơ là 4,6 triệu tấn và nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón hàng năm là 10,4 triệu tấn/năm, trong đó, tiêu thụ phân bón vô cơ 7,6 triệu tấn/năm.
Năm nay các doanh nghiệp ngành phân bón , hóa chất trong nước có sự bứt phá mạnh khi giá phân u-rê đã tăng trưởng mạnh trong thời gian qua và có thể tiếp tục tăng trong các tháng tới, do tác động từ việc hạn chế nguồn cung của Nga và Trung Quốc.
Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) hiện dự báo tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 192,5 triệu tấn. Các yếu tố như bất ổn địa chính trị và điều kiện thời tiết cực đoan khiến giá các mặt hàng nông sản chủ chốt, gồm gạo, lúa mì, ngô hiện vẫn neo cao so với mức trung bình 10 năm trở lại đây.