Đại diện công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam khẳng định luôn tuân thủ gắt gao với các quy định về sản xuất, kinh doanh và pháp lý được quy định bởi Việt Nam.
Do đó, với vụ việc liên quan nội dung quảng cáo có sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam" trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo khác bị Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch "tuýt còi", doanh nghiệp cho biết đã tiếp nhận ý kiến chỉ đạo.
Thông điệp ban đầu của Coca Cola khi thiết kế quảng cáo chỉ nhằm đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách thức xem mã khuyến mãi dưới nắp khoen sản phẩm Coca-Cola. Doanh nghiệp đã không xét đến các yếu tố ngữ văn khác trong cụm từ. Công ty hiện đã có sự điều chỉnh phù hợp đảm bảo tuân thủ các quy định về nội dung quảng cáo.
Vì vậy, ngay sau khi nhận được công văn từ Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch hôm 22/6, Công ty đã nhanh chóng thay đổi cụm từ "Mở lon Việt Nam" thành "Cơ hội trúng vàng mỗi ngày" cho chương trình khuyến mãi của sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác.
Hiện quy trình đang được diễn ra nhanh chóng, toàn bộ nội dung quảng cáo trên tất cả các kênh truyền hình, kỹ thuật số và 70% bảng hiệu quảng cáo ngoài trời đã được cập nhật nội dung mới. Quy trình vẫn đang được tích cực diễn ra nhằm đảm bảo sự thay đổi sẽ hoàn tất trong tuần đầu tháng 7.
Từ điển tiếng Việt định nghĩa "lon" có các nghĩa, gồm:
-Thú rừng cùng họ với cầy móc cua, nhưng nhỏ hơn
- Hộp đựng sữa hoặc nước giải khát, thường bằng kim loại. Ví dụ: bia lon, lon nước ngọt, đong mấy lon gạo nếp.
- Vại nhỏ, chậu nhỏ bằng sành. Ví dụ: lon nước gạo, nén một lon cà
-Phù hiệu quân hàm (của quân đội một số nước). Ví dụ: đeo lon đại uý
Tuy nhiên, theo quan điểm được bà bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)j trả lời báo chí, thì cụm từ "mở lon Việt Nam" hoàn toàn không rõ nghĩa.
"Từ’lon’ đứng một mình, không gắn với từ Coca-Cola hay bia... có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa". "Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... Từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề".
Tranh: Tuổi trẻ cười
"Trước khi ký 3 văn bản chấn chỉnh nội dung này, Cục Văn hóa cơ sở đã nghiên cứu kỹ nội dung cụm từ "Mở lon Việt Nam" trong sản phẩm quảng cáo của Coca-Cola. Trước hết phải khẳng định, cụm từ này không có thông tin rõ ràng, nếu đã nói "lon" thì phải gắn với tên sản phẩm là gì, lon Coca- Cola hay một nhãn hàng bia, nước ngọt... nào khác. Việc ngắt chữ "lon" không gắn với tên sản phẩm hàng hóa sẽ làm cho người tiêu dùng không có được thông tin rõ ràng về sản phẩm".
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cũng nói rõ, việc gắn chữ "lon" như cách của Coca-Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như "ở Việt Nam", "tại Việt Nam"… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng như vậy.