Ngày 9-9, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp về đôn đốc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án do Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.
Lúng túng nguồn vốn đầu tư
Báo cáo tình hình triển khai thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31-12, các trạm thu phí phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Tiến độ hoàn thành do Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quyết định phù hợp với điều kiện vốn của dự án.
Còn các trạm do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bộ chia dự án thu phí không dừng thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 44 trạm, đã hoàn thành 40/44 trạm. Giai đoạn 2 gồm 33 trạm, đã lựa chọn xong nhà đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số doanh nghiệp công nghệ. Hiện đang hoàn thiện lựa chọn nhà thầu để phấn đấu hoàn thành lắp đặt trước ngày 31-12. Đối với 19 trạm còn lại của địa phương, hiện có 6 trạm đã áp dụng thu phí không dừng kết nối với dự án giai đoạn 1 do Bộ GTVT đang triển khai. Các trạm còn lại đang triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, do có nhiều vướng mắc, đặc biệt là về nguồn vốn, nên tiến độ thực hiện thu phí không dừng không đáp ứng yêu cầu. Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng doanh thu thu phí tại 5 dự án cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành) do VEC quản lý để trả chi phí đầu tư, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án của tổng công ty này. "Vốn ngân sách nhà nước không có, không vay được vốn nước ngoài. VEC chỉ còn duy nhất nguồn thu phí để trả nợ. Hệ thống thu phí tự động không dừng là một bộ phận của dự án cao tốc nên Bộ GTVT đề xuất cho VEC sử dụng nguồn thu phí của các dự án để đầu tư và trả chi phí vận hành hệ thống thu phí không dừng" - Thứ trưởng Lê Đình Thọ kiến nghị.
Theo tính toán sơ bộ của VEC, để đầu tư và chuyển đổi toàn bộ hệ thống thu phí thủ công sang thu phí tự động không dừng đồng bộ cho tất cả dự án (tổng số còn 395 làn), cần nguồn vốn đầu tư 800-900 tỉ đồng.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp về triển khai thu phí không dừng Ảnh: LÊ SƠN
Không để lãng phí, tham nhũng
Trước câu hỏi của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có thể bỏ vốn đầu tư được không, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh cho biết SCIC có tiền, đầu tư để tạo ra lợi nhuận là tốt nhưng phải điều chỉnh quyết định đầu tư. Hiện cũng có hướng khác là để doanh nghiệp đầu tư, ví dụ như Viettel và sau đó trả phí trở lại.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhận định thu phí không dừng có thể được coi là một cấu phần tất yếu trong dự án. Nếu được cấp có thẩm quyền bổ sung, việc sử dụng một phần phí thu được để đầu tư trạm thu phí tự động không dừng cũng không trái với quy định.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết trước đây, khi xây dựng các tuyến đường áp dụng việc thu phí thủ công. Việc này ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện, gây ùn tắc tại các trạm thu phí, chưa công khai và minh bạch nguồn thu phí này với nhân dân. Vì thế, việc Quốc hội và Chính phủ ban hành nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định và chỉ thị về triển khai thu phí tự động không dừng là đúng đắn và cần thiết.
Tuy nhiên, thực tế tình hình hiện nay cho thấy vẫn còn vướng mắc nhiều cơ chế về tài chính, công nghệ, đấu thầu, do đó Bộ GTVT cần tính toán kỹ lưỡng các phương án về tài chính, công nghệ, nhà cung cấp, "phải đúng, phải trúng, phải chặt" để tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, bảo đảm không được xảy ra lãng phí, tham nhũng khi thực hiện. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2020, các trạm thu phí dịch vụ đường bộ thủ công phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.
Phải ưu tiên trả nợ
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định những dự án đường cao tốc do VEC quản lý phải thanh toán các nghĩa vụ nợ gốc, lãi tính đến hạn của các nhà tài trợ: Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Hiện VEC đã có hiện tượng chậm trả các khoản nợ đến hạn theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Tình trạng này nếu tái diễn sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Chính phủ.
"Bộ Tài chính đề nghị không sử dụng nguồn thu phí và các khoản tiền nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ các khoản vay để thanh toán khối lượng hoàn thành các dự án, kể cả đối với dự án thu phí không dừng. Nguồn thu phí của dự án phải được ưu tiên trả nợ" - Thứ trưởng Vũ Thị Mai bày tỏ.