Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID-HoSE) vừa thông báo không thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản mà nhà băng này đã chốt danh sách hồi tháng 12 vừa qua.
Trước đó, ngày 17/11, BIDV đã ra thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông với ngày chốt quyền là 4/12. Tuy nhiên đến nay sau hơn 4 tháng từ ngày chốt danh sách, BIDV vẫn chưa công bố nội dung lấy ý kiến.
"Căn cứ trên tình hình thực tế các nội dung dự kiến lấy ý kiến cổ đông, ngày 13/4/2018, HĐQT BIDV đã ban hành Nghị quyết về việc không thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản", thông báo của BIDV cho hay.
Ngân hàng này cũng cho biết HĐQT sẽ thực hiện lấy ý kiến trực tiếp cổ đông tại kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản vào thời điểm thích hợp.
Ngày 21/4, BIDV sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018. Một trong các kế hoạch BIDV chưa thực hiện được trong năm 2017 và sẽ tiếp tục thực hiện ở năm tới là việc thực hiện các phương án tăng vốn điều lệ. Trong năm 2017, BIDV cho biết nhiều định chế tài chính lớn đã bày tỏ sự quan tâm đầu tư với tư cách nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính. Tuy nhiên, theo ngân hàng này, điều kiện thị trường không thuận lợi và tiến độ phê duyệt của các cơ quan quản lý kéo dài nên trong năm 2017 là các nguyên nhân khiến BIDV chưa hoàn tất được các phương án tăng vốn.
Kế hoạch tăng vốn năm 2018 tập trung vào phát cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính) hoặc thực hiện các biện pháp tăng vốn khác.
Tương tự năm trước, kế hoạch phân phối lợi nhuận của BIDV năm nay sẽ vẫn giữ tỷ lệ cổ tức năm 2017 ở mức 7% bằng tiền mặt.
Năm 2018, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.300 tỷ đồng. Tăng trưởng lợi nhuận kế hoạch chỉ ở mức 7,3% - khá khiêm tốn so với kế hoạch nhiều ngân hàng đã công bố thời gian gần đây.
BIDV đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng tối đa 17% và trong giới hạn được NHNN giao, huy động vốn tăng trưởng 17% và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Nội dung các tờ trình công bố trên website BIDV hiện chưa đề cập đến kế hoạch nhân sự của ngân hàng này. Số thành viên HĐQT của ngân hàng này hiện còn 8 người. Ông Nguyễn Huy Tựa nghỉ hưu tháng 11/2017 trong khi bà Lê Thị Kim Khuyên cũng vừa mới nghỉ tháng 3 vừa qua.
Chiếc ghế Chủ tịch HĐQT của BIDV hiện vẫn đang bỏ trống gần 19 tháng kể từ sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu hồi tháng 9/2016. Ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên phụ trách HĐQT, hiện là người nắm vị trí cao nhất trong HĐQT ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều khả năng ông Trần Anh Tuấn sẽ sớm nghỉ hưu khi đã bước sang tuổi 60 vào đầu tháng 4 vừa qua.