Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán BID) đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc công bố thông tin chi trả cổ tức năm 2017 và 2018.
Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 1056/NQ-BIDV của Hội đồng quản trị BIDV ngày 25/10/2019, BIDV sẽ trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% mỗi năm.
Cụ thể, cổ tức năm 2017 là 7%/cổ phiếu, tức mỗi cổ phiếu sẽ được nhận 700 đồng. Cổ tức năm 2018 cũng là 7%/cổ phiếu, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 700 đồng. Tổng tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt hai năm 2017 và 2018 là 14%/cổ phiếu, mỗi cổ phiếu nhận 1.400 đồng.
Đáng chú ý, vào hồi tháng 4/2019, tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2019, mức chi trả cổ tức cho năm 2018 vẫn chỉ là 6%.
Với tổng cộng hơn 3,41 tỷ cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, BIDV sẽ chi ra khoảng hơn 4.786 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức này. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 8/11/2019 và ngày dự kiến thanh toán là 12/12/2019.
Được biết, dưới áp lực phải bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn, đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel 2, BIDV rất mong muốn được tăng vốn điều lệ thông qua phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc sẽ trả theo một tỷ lệ nhất định nhưng bằng cả tiền mặt lẫn cổ phiếu. Đặc biệt trong bối cảnh cổ tức hai năm 2017 và 2018 bị "treo". Tuy nhiên, như trên, mong muốn vẫn chưa thành.
Tại một diễn biến khác, BIDV vừa qua đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2019 với tổng thu nhập lãi thuần tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 34.258 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì trích lập dự phòng lượng lớn nên lợi nhuận trước thuế của BIDV ghi nhận mức giảm 3% xuống 7.028 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản ngân hàng này ở trên mức 1,42 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,6% đạt 1,07 triệu tỷ đồng; huy động tiền gửi của khách tăng 9,6% đạt hơn 1,08 triệu tỷ đồng.
Hiện, vốn điều lệ ngân hàng vẫn giữ ở mức 34.187 tỷ đồng.