Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Tp.HCM (BIDV Hồ Chí Minh) thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Đóng Tàu và Cơ Khí Hàng Hải Sài Gòn để xử lý nợ
Theo đó, ngân hàng chào bán 285 máy móc thiết bị cơ khí tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, Phường Rạch Dừa, Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tại 99 Khu phố 3, Phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, Tp.HCM. Số tài sản này được bán tách rời thành 61 nhóm với tổng giá khởi điểm hơn 74 tỷ đồng.
Đối với các tài sản phải đăng ký, đăng kiểm người mua được tài sản bán đấu giá tự liên hệ cơ quan chức năng có thẩm quyền để thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu và đăng kiểm theo quy định hoặc tuân theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và chịu các chi phí liên quan. Khách hàng đăng ký tham gia đấu giá cam kết không khiếu nại, khiếu kiện về vấn đề này.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Đóng Tàu và Cơ Khí Hàng Hải Sài Gòn được thành lập năm 2007, do ông Inah Kosasih làm người đại diện pháp luật. Công ty có địa chỉ tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, Phường Rạch Dừa, Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Doanh nghiệp này có 100% vốn Singapore, hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu biển. Công ty này vào VN hoạt động từ 2007. Đến nay đã 5 lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư. Lần mới nhất thay đổi giấy chứng nhận đầu tư là ngày 29/6/2016.
Vào tháng 9/2018, TAND Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty TNHH Đóng tàu và Cơ khí Hàng Hải Sài Gòn.
Theo danh sách chủ nợ do Quản tài viên Dương Thanh Thuận lập vào ngày 26/10/2018 cho thấy, Công Ty TNHH Đóng tàu và Cơ khí Hàng hải Sài Gòn nợ của 112 đơn vị, tổ chức với tổng số tiền lên tới gần 2.379 tỷ đồng và gần 24 triệu USD.
Đáng chú ý, trong bản danh sách này có nhiều ngân hàng là chủ nợ của Công ty TNHH Đóng tàu và Cơ khí Hàng hải Sài Gòn. Trong đó, Techcombank cho vay 315,3 tỷ đồng; OCB cho vay 119,6 tỷ; ABBank cho vay 538,6 tỷ đồng; VietinBank cho vay 868,5 tỷ đồng; BIDV cho vay 102,2 tỷ; MB cho vay 31,6 tỷ đồng.
Được biết, tài sản đảm bảo là máy móc, nhà xưởng, nhà máy,...gặp rất nhiều khó khăn trong phát mại, thu hồi nợ. Nguyên nhân là vì những tài sản này rất "kén" người mua. Khác với các TSBĐ là bất động sản, phương tiện vận tải, người muốn mua TSBĐ là máy móc, nhà xưởng,..phải là những người có nhu cầu sử dụng để sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực đó. Bởi vậy, nhiều trường hợp, ngân hàng đã phải rao bán nhiều năm, hạ giá tới 50-70% mới thanh lý thành công.