Từ những bộ quần áo, đàn ghi-ta, xe máy cũ, qua bàn tay tài hoa của những người thợ đã biến thành những sản phẩm hữu ích, mang tính thẩm mỹ cao, được bán với giá từ vài trăm đồng đến hàng trăm triệu đồng.
'Phù phép' quần áo cũ thành túi thời trang, biến ghi-ta cũ thành kệ sách
Báo Dân Trí thông tin, nhận thấy nhiều người có lượng lớn quần áo cũ, không mặc đến cần phải bỏ đi, chị Hoàng Huệ (ở Hà Nội) đặt ra câu hỏi nên làm thế nào để tối ưu vòng đời của một sản phẩm. "Chính nhờ suy nghĩ ấy đã thôi thúc tôi sáng tạo, tái sinh quần áo cũ thành những sản phẩm thời trang. Tôi bắt đầu thử sức với túi, ví, ba lô, vòng cổ, phụ kiện đeo tay từ các vật liệu cũ" - chị Huệ nói.
Đến nay, chị Huệ đã làm ra hơn 100 sản phẩm thời trang như phụ kiện, túi xách, ví,... từ quần áo cũ. Hơn một nửa mặt hàng được chị mang ra bán với giá từ 250.000-750.000 đồng/sản phẩm.
Những chiếc túi tuyệt đẹp được tận dụng, làm từ đồ vật cũ. (Ảnh: Dân Trí) |
Còn một chàng trai trẻ ở TP.HCM đã tận dụng những chiếc ghi-ta cũ, hỏng, làm ra các sản phẩm độc đáo, được khách hàng đặt mua nhiều.
Theo Báo Dân Việt, khi nhìn thấy những chiếc đàn hỏng, không sử dụng được nữa bị nhiều người ném ra thùng rác, anh Đỗ Hoàng Thong cảm thấy xót xa và nảy ra ý nghĩ thu mua chúng để làm ra những chiếc kệ sách, kệ trưng bày cây xanh và kệ trưng bày đĩa nhạc,... Tùy vào đồ trang trí sản phẩm, anh sẽ bán với mức giá từ 1,2-2 triệu đồng.
Sáng chế đồng hồ, đồ chơi giá trăm triệu từ xác xe máy cũ
Anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1986, hiện làm chủ một xưởng cơ khí tại TP.HCM) cho biết trên Zing, từ năm 2018 đến nay, anh đã tạo nên những sản phẩm trang trí như đồng hồ, bàn uống nước, tắc kè... bằng phụ tùng xe cũ. Sản phẩm của anh đa dạng kích thước, mẫu mã, giá từ 1 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.
Theo anh Tuấn Anh, ở Việt Nam, rất hiếm các xưởng làm đồ decor cơ khí như anh. Một tháng, anh bán được khoảng 100 sản phẩm các loại.
Vườn sen đá với 200 loài độc lạ của 8X Đà Lạt
Báo Dân Trí cho hay, làm việc trong lĩnh vực bất động sản, nhưng anh Lê Ngọc Tâm (32 tuổi, Đà Lạt) có niềm đam mê đặc biệt với hoa sen đá. "Sen đá mang lại vẻ đẹp thanh tao, thuần khiết như đài hoa sen. Ngoài ra, cây cũng có ý nghĩa phong thủy là sự may mắn, phát tài cho gia chủ.", anh Tâm cho biết.
Vườn hoa sen đá của anh Tâm. (Ảnh: Dân Trí) |
Anh Tâm đã lên ý tưởng trồng và thiết kế vườn sen đá có diện tích 100m2 với nhiều giống cây độc lạ. Trong khu vườn của anh Tâm có 200 loại sen đá khác nhau, như: sen rubi, sen lola, sen đế vương, sen hoa hồng xám, sen đá nâu, đá bạc, sen hạc trắng, sen cúc trắng, tím... có giống từ Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc. Sen đá tại vườn mang nhiều kiểu dáng, màu sắc bắt mắt, độc đáo.
Bánh mì cá sấu khổng lồ độc đáo ở TP.HCM
Những ổ bánh mì có hình thù độc đáo, ngộ nghĩnh của anh Phan Thanh Phước (37 tuổi) luôn thu hút nhiều bạn trẻ trong khu vực quận Bình Tân, TP.HCM. Anh Phước kể trên Zing, anh theo nghề khoảng 20 năm nhưng mới bén duyên với bánh mì hình thú được 6 năm. Tích góp nhiều năm làm thuê, anh Phước tự mở được một lò bánh mì nhỏ khoảng 2 năm nay.
Anh Phước có thể tạo hình hơn 10 mẫu thú như rồng, nhện, rùa, cua,... Mỗi con đều có những điểm độc đáo khác nhau nhưng mẫu bán chạy nhất vẫn là cá sấu và ngựa. Đây cũng là 2 hình khó làm nhất vì phải cắt ghép bột, bỏ công nhiều hơn. Với bánh mì hình thú, khi hoàn thiện, bánh sẽ có ruột mềm nhưng những bộ phận khác như chân, râu lúc nào cũng giòn hơn hoặc dễ bị cứng nếu nướng quá lửa.
Món bún có cái tên độc lạ ở Phú Quốc
Một trong những món ăn mà du khách đến Phú Quốc nhất định phải thử, chính là bún "quậy". Món ăn này không chỉ hút khách bởi cái tên lạ mà còn ở hương vị rất riêng.
Bún "quậy" là món ăn nổi tiếng Phú Quốc. (Ảnh: Dân Trí) |
Bún "quậy" bắt nguồn từ bún tôm Bình Định. Sau nhiều năm, món ăn được cải biến bằng những nguyên liệu sẵn có trên đảo Ngọc và thay đổi chút hương vị cho phù hợp văn hóa vùng miền. Một bát bún có giá từ 35.000-75.000 đồng tùy kích cỡ và thành phần. Bát bún gồm một con mực trứng luộc, chả cá, chả tôm, hành xắt nhỏ và bún tươi.
Có nhiều cách lí giải khác nhau về cái tên lạ bún "quậy". Nhiều người nói rằng, món ăn này được đặt tên là "quậy" vì phải ăn kèm nước chấm gồm bột canh, bột ngọt, đường, quất (tắc), ớt xay. Các nguyên liệu sau khi cho vào bát được quậy mạnh để sánh lại. Nhưng theo chia sẻ của chủ quán bún "quậy" đông và lâu đời bậc nhất Phú Quốc, gọi món này là bún "quậy" bởi khi chế biến món ăn, ở các công đoạn đầu bếp đều quậy liên hồi.
Cây sanh có dáng "cực độc", chủ quyết không bán
Báo Dân Trí cho hay, tại triển lãm, trưng bày sinh vật cảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2021 diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), gốc cây sanh với tên gọi "Tự hào Việt Nam" đã gây chú ý với giới chơi cây cảnh và đông đảo người dân bởi nét đẹp độc, lạ, đầy cuốn hút.
Nhiều nghệ nhân nhận xét dáng và thế của cây rất đẹp, hiếm có. Cây có chu vi bộ rễ 10m, cao 3,7m và dài 6m; với sự phân bố hệ thống quần thể cây, tạo tổng thể ba chiều hình tam giác lớn.
Chủ nhân của cây sanh chia sẻ, cây sanh này có nhiều nét độc đáo như: bệ ôm đá, thân cây nổi u bướu rất đẹp, các tán cây hài hòa, cân đối và hợp lý. Đã có rất nhiều người ngỏ ý muốn sở hữu cây sanh nhưng ông đều từ chối vì ông trót xem cây như người bạn "tri kỷ" của mình.
Người đàn ông miền Tây chi trăm triệu nuôi đàn cá 'hoang' dưới sông
Hơn 1 năm qua, đàn cá tra tự nhiên đổ về rạch Ông Chưởng sinh sống, được anh Đinh Vũ Tâm (51 tuổi, ở xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, An Giang) nuôi dưỡng và bảo vệ. Điều kỳ lạ là đàn cá hàng nghìn con này sống hoàn toàn ngoài tự nhiên trên rạch Ông Chưởng. Mỗi khi nghe tiếng anh Tâm cầm cây gõ vào mạn tàu, đàn cá bơi về, nổi lên ăn như “thú cưng”.
Đàn cá hàng nghìn con rất dạn dĩ sống ở khúc sông sau nhà anh Tâm. (Ảnh: Hoài Thanh) |
Anh Tâm cho biết, xem đàn cá như thú cưng nên suốt thời gian qua anh chưa bao giờ làm tổn hại chúng hay bắt cá đem bán, làm thịt. Anh cũng không làm lưới chặn đàn cá lại mà mặc cho chúng bơi tự do ở ngoài sông. Để cá có nơi trú ẩn, tránh người khác đến đánh bắt, anh Tâm dành hẳn 1 chiếc tàu neo đậu cố định dưới sông.
Anh ước tính đàn cá hiện tại khoảng 15 tấn. Con nhỏ khoảng 1kg, lớn nhất khoảng 5kg. Vì số lượng cá nhiều nên mỗi ngày anh Tâm tốn khoảng gần 800.000 đồng để mua thức ăn cho cá ăn.
Hạnh Nguyên(Tổng hợp)