Hàng loạt khảo sát nhà máy công bố tuần này cho thấy hoạt động sản xuất tại hầu hết các nền kinh tế ở Đông Nam Á đều giảm mạnh trong tháng 7. Tình trạng này trái ngược với các nền kinh tế ở Đông Bắc Á và phương Tây, nơi tăng trưởng kinh doanh chậm lại nhưng vẫn đang mở rộng.
Sự gián đoạn kinh tế tại Đông Nam Á do biến chủng Delta gây ra càng thêm trầm trọng bởi tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 chậm ở khu vực 600 triệu dân này. Chính phủ các nước gặp khó khăn trong đảm bảo đủ số liều vaccine cần thiết và đã áp các lệnh phong tỏa tốn kém, khiến nhiều nhà máy không có người lao động.
Bước lùi này đe dọa đà tăng trưởng của một trong những khối thị trường mới nổi bền bỉ nhất thế giới. Đông Nam Á từng chống chịu tốt nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu trong vài thập kỷ qua nhờ những cải cách kinh tế diện rộng và có vị trí địa lý gần Trung Quốc.
Các kinh tế gia tại HSBC cảnh báo tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 thấp tại Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan, cùng với mức độ hiệu quả tiêm chủng còn chưa chắc chắn, khiến những nền kinh tế này gặp rủi ro.
“Điều này có nghĩa người dân ở những người này vẫn có nguy cơ bị tổn thương không chỉ bởi đợt bùng phát hiện tại mà còn bởi các biến chủng có thể xuất hiện trong tương lai”, HSBC nhận định. “Các hạn chế đi lại, tiếp xúc sẽ còn kéo dài, gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng ngắn hạn”.
Đối với các nhà sản xuất của Đông Nam á, có lợi thế cạnh tranh chủ yếu nhờ chi phí lao động rẻ và nguồn nguyên liệu thô, ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch lên nguồn cung lao động chính là một nút thắt cổ chai lớn đến sản xuất.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu xe hơi lớn thứ 4 châu Á, công xưởng sản xuất của nhiều thương hiệu xe hơi toàn cầu, Toyota Motor dừng sản xuất tại ba nhà máy trong tháng 7 do thiếu lao động vì Covid-19.
Lực cầu cao, sản xuất ‘lao đao’
Siam Agro-Food Industry, nhà xuất khẩu trái cây chế biến của Thái Lan, phụ thuộc đáng kể vào lao động nhập cư và chỉ có thể lấp đầy 400 trong số 550 vị trí cần tuyển bởi người lao động về quê nhả nhưng không thể trở lại vì biên giới đóng cửa.
“Hiện có khoảng 350 tấn trái cây mỗi ngày nhưng chúng tôi chỉ nhận 250 tấn bởi không có đủ người lao động để xử lý”, Ghanyapad Tantipipatpong, chủ tịch Siam Agro-Food Industry, nói.
“Lực cầu từ các thị trường xuất khẩu, như Mỹ - thị trường chủ lực của chúng tôi, vẫn mạnh. Vấn đề lúc này là khâu sản xuất”.
Tại Malaysia, nơi cung ứng cho khoảng 67% thị trường găng tay cao su toàn cầu, các lệnh phong tỏa buộc nhiều nhà sản xuất găng tay cao su phải dừng hoạt động trong tháng 6 và 7.
Những đợt nới lỏng hạn chế sau đó cho phép 60% lực lượng lao động trở lại làm việc, sau khi hiệp hội sản xuất găng tay Malaysia thỉnh cầu chính phủ cho ngành này tái hoạt động, viện dẫn các lo ngại từ các bên mua toàn cầu. Hiệp hội này đang kêu gọi cho tỷ lệ 100%.
Sự gián đoạn sản xuất tại Đông Nam Á đã và đang tạo ra ảnh hưởng ở những nơi khác như Infineon Technologies, nhà sản xuất chip của Đức, dự báo chịu thiệt hại hàng chục triệu USD khi phải đóng cửa nhà máy ở Malaysia. Ảnh hưởng rồi sẽ lan tới các khách hàng của Infineon.
Daniel Bernbeck, CEO Phòng Thương mại và Công nghiệp Malaysia – Đức, nói các quy định cách ly nghiêm ngặt của Malaysia khiến những ngành sản xuất mặt hàng cao cấp như chip khó có thể đón nhận các chuyên gia kỹ thuật cần thiết.
Giới phân tích cảnh báo nguy cơ tác động từ Delta có thể vượt khỏi lĩnh vực sản xuất.
Bộ phận Dịch vụ nhà đầu tư của Moody’s cho rằng các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương với “cấu trúc kinh tế tập trung” và thể chế yếu kém sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.