Cùng với căng thẳng gia tăng trong quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và các nước đồng minh, rủi ro về chính sách đã khiến vốn rút khỏi thị trường Trung Quốc trong tháng 6 và tiếp tục duy trì xu hướng này trong 3 tuần đầu tháng 7. Cổ phiếu Trung Quốc lao dốc đã kích hoạt lực mua bắt đáy trong tuần cuối tháng 7.
Thêm vào đó, việc Bắc Kinh ban hành các quy định mới siết chặt quản lý các tập đoàn lớn hoạt động trong các lĩnh vực mua sắm trực tuyến, giao đồ ăn, dạy thêm sau giờ học, giải trí… khiến làn sóng bán tháo cổ phiếu Trung Quốc lan rộng, bao gồm cả các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại thị trường Mỹ.
Mức giảm sâu của giá cổ phiếu, các tuyên bố trấn an thị trường từ cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc và PBOC (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) bơm tiền mạnh đã kéo dòng tiền trở lại thị trường này trong ngắn hạn. Theo số liệu của SSI Research, vào tuần cuối tháng 7, tuy các chỉ số chứng khoán Trung Quốc vẫn giảm sâu nhưng đã có 4,1 tỷ USD tiền qua các quỹ ETF vào thị trường Trung Quốc.
Tuy vậy, rủi ro thị trường rõ ràng đang ở mức cao, dòng vốn chủ động có tháng rút ròng đầu tiên khỏi thị trường Trung Quốc kể từ hồi quý I/2020.
Mây mù ảm đạm chưa tan trên thị trường tài chính đại lục thì dòng vốn có dấu hiệu suy giảm ở thị trường Đài Loan. Sau hai tháng có vốn vào rất mạnh (2,7 tỷ USD), dòng vốn đã rút ròng nhẹ gần 40 triệu USD khỏi thị trường Đài Loan trong tháng 7.
Theo SSI Research, dòng vốn vào các thị trường mới nổi Châu Á ngoại trừ Trung Quốc nhìn chung là kém tích cực hơn trong tháng qua khi diễn biến dịch bệnh trong khu vực vẫn đang rất phức tạp.
Trong khảo sát diễn biến dòng vốn vào thị trường tài chính Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Đài Loan của EPFR Global, thì thị trường tài chính Trung Quốc ở mức báo động cao nhất về diễn biến rút ròng vốn tính tới 28/7/2021, xếp thứ hai là vùng lãnh thổ Đài Loan.
Nhìn rộng ra thị trường tài chính quốc tế, trong 7 tháng đầu năm, có tổng cộng 636 tỷ USD vốn đổ vào cổ phiếu doanh nghiệp. Tuy cổ phiếu vẫn là kênh thu hút dòng tiền mạnh nhất nhưng đang suy giảm về quy mô, cụ thể là dòng vốn tháng 7/2021 giảm 9% so với tháng trước.
Sự tăng trưởng chậm lại của thị trường tài chính Trung Quốc, cùng với dịch bệnh Covid-19 phức tạp, lạm phát gia tăng, chính sách tiền tệ thu hẹp và bong bóng tài sản khiến cho thị trường nhiều rủi ro và tâm lý nhà đầu tư yếu hơn giai đoạn trước đó.