Những ngày khó khăn
Sinh ra và lớn lên ở ở quê hương Yên Mô (Ninh Bình), hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Mai Văn San từng lăn lội tứ xứ, làm thuê, làm mướn nhiều nơi. Năm 1994, anh lên vùng đất Phù Yên làm thuê cho các hộ gia đình trồng ngô ở Văn Yên (Mường Thải), rồi lập gia đình và định cư tại đây. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng anh không cam chịu đói nghèo. Thấy mảnh đất rộng hơn 1 ha của công trường 72 cũ ở Văn Yên đang bỏ hoang, lúp xúp cây cỏ dại nên anh San đã thuê lại để trồng trọt.
Anh Mai Văn San đang chăm sóc vườn bưởi Diễn sai trĩu quả đã tới ngày thu hoạch.
Anh Mai Văn San kể: Chỗ đất tôi thầu vốn còn là đồi hoang cây dại nên phải mất nhiều công sức và thời gian cải tạo. Ban đầu tôi tập trung trồng ngô, sắn nhưng khổ nỗi năng suất thấp. Cả 2 vợ chồng miệt mài cả ngày trên đồi nghèo vẫn hoàn nghèo...
Bực mình, anh Mai Văn San cất công đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, tìm hiểu các mô hình kinh tế. Một lần đi qua vùng đất bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), thấy rằng bưởi diễn trồng nơi đây cho quả to, ngọt, bán rất được giá. Thế là anh về bàn với vợ quyết tâm chuyển 1 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng bưởi Diễn. Tích góp vợ chồng anh đều đầu tư hết vào trồng bưởi Diễn. "Ngày ấy, ở vùng đất này, đầu tư lớn trồng bưởi Diễn với nhiều người là liều lĩnh như đánh bạc..." - anh Mai Văn San nhớ lại.
Mùa quả vàng trên đồi
Thời gian đầu khi bưởi Diễn chưa khép tán, anh Mai Văn San vẫn tiếp tục trồng ngô xen kẽ để lấy ngắn nuôi dài. Nhờ chăm sóc tốt và hợp đất nên bưởi Diễn phát triển nhanh.
Sau 4 năm, vườn bưởi Diễn của anh Mai Văn San đã bắt đầu cho quả. Vụ đầu tiên, vợ chồng anh thu lãi hơn trăm triệu đồng. Bưởi Diễn trồng ở Phù Yên (Sơn La) chất lượng không kém bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), quả to, ngọt đậm, vỏ mỏng nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhất là các ngày lễ tết vườn bưởi Diễn của anh San luôn bị "cháy hàng" do người đến đặt mua liên tục.
Những cây bưởi Diễn trong vườn nhà anh Mai Văn San quả sai lúc lỉu, phải chống đỡ để tránh bị gẫy cành
Đến nay, khu vườn trồng 300 cây bưởi Diễn của anh San cây nào cây nấy đều sai trĩu quả, phải dùng cành cây chống đỡ vì lo gẫy cành, mỗi cây cho từ 35 – 40 quả, mỗi quả bán 20.000 đồng, trừ chi phí mỗi năm anh Mai Văn San đút túi hơn 300 triệu đồng. Anh San cho biết: Tính kỹ ra thì một 1 ha bưởi cho thu nhập bằng 3-4 ha ngô. Nhờ thu nhập cao, có thêm vốn nên tôi tiếp tục đầu tư trồng thêm cam đường canh xen với bưởi Diễn và phát triển chăn nuôi lợn, gà trong trang trại. Ước tổng thu nhập của gia đình tôi mấy năm gần đây đạt trên 400 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc anh San nói rằng: Với giống bưởi Diễn, cam canh cần chăm sóc tốt, cắt tỉa cành hợp lý, giúp cây bị cằn cỗi và phải luôn quan tâm sâu đục thân, sâu cuốn lá, sâu hại quả làm hại cây trồng. Thêm nữa, bón phân quá nhiều, bưởi sẽ chỉ tốt lá và cho ít quả, chất lượng lại không ngon...
Đặc biệt khi cây ra quả, phải chú ý đến bệnh do ruồi vàng gây ra trên trái cây. Theo anh San, để diệt được ruồi vàng phải dùng lọ nhựa, đục các lỗ nhỏ, cho thuốc dụ ruồi vào trong lọ dụ ruồi, ruồi chui vào lọ sẽ bị dính lại và chết. Cách làm này cho sản phẩm sạch. an toàn với người tiêu dùng, hơn hẳn cách dùng hoa chất phun để diệt ruồi.
Anh Mai Văn San đang thao tác cách diệt ruồi vàng hại quả bưởi Diễn.
Những cây bưởi Diễn sai trĩu quả trong vườn nhà anh Mai Văn San.