Cổ phiếu một thời của cựu lãnh đạo ngân hàng Trần Phương Bình có những tín hiệu mua bán đầu tiên sau nhiều năm nhưng vẫn ở đáy, dù nhóm ngân hàng nóng rực trên thị trường chứng khoán và là động lực kéo VN-Index lên đỉnh 1.200 điểm.
Trong vài phiên gần đây, cổ phiếu EABANK của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) lại được chào mua bán trên thị trường OTC cho dù bị cấm chuyển nhượng kể từ 2015, liên quan tới vụ án Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ, tức “Vũ Nhôm”.
Tuy nhiên, cổ phiếu của ngân hàng khá nổi tiếng một thời hiện khó xác định giá trị và dường như đang ở đáy thị trường, cho dù nhóm các cổ phiếu ngân hàng khác tăng dồn dập trong hơn một năm qua và là động lực kéo thị trường chứng khoán lên đỉnh.
Trên SanOTC, cổ phiếu EABANK đang được chào mua ở mức giá 2.000 đồng/cp, được chào bán ở mức giá 8.000 đồng/cp, một mức chênh rất lớn và nhiều khả năng sẽ chưa thể có giao dịch trong một thời gian dài.
Kể từ 2015, do DongABank rơi vào kiểm soát đặc biệt cho nên nếu xét theo quy định thì mọi giao dịch cổ phiếu của cổ đông đều phải ngừng lại. Phan Văn Anh Vũ, tức “Vũ Nhôm”, cái tên được nhắc đến trong nhiều thương vụ mua bán nhà đất công tại Đà Nẵng, vẫn nắm giữ 10%, tương đương 50 triệu cổ phần DAF (trị giá 500 tỷ đồng theo mệnh giá). Cá nhân Phan Anh Vũ cũng nắm giữ hơn 100 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu này. Tuy nhiên, số vốn này hiện đang liên quan đến nhiều vụ án và được kiểm soát để xử lý nên không thể nói về số phận và giá trị của nó.
Tuy nhiên, nếu xét theo mức giá chào mua như hiện tại (ở mức 2.000 đồng/cp, so với mệnh giá 10.000 đồng/cp) thì khối tài sản từng đứng Vũ Nhôm bốc hơi khoảng 500 tỷ đồng.
Ông Trần Phương Bình (nguyên TGĐ, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) bị truy tố về về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ông Bình còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó Phan Văn Anh Vũ bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Ông Trần Phương Bình từng là đại gia kim tiền bậc nhất Việt Nam và có một thời gian dài hơn 20 năm gắn bó với Ngân hàng cổ phần Đông Á - DongA Bank (DAF). Tuy nhiên, ông và dàn lãnh đạo tại DongABank đã vướng vòng lao lý.
Ông Trần Phương Bình (1958) là nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng. Từ năm 1998, ông đã đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc DongABank (DAF) và là Phó Chủ tịch HĐQT từ năm 2013 cho tới 8/2015.
Trên thực tế, ông Bình không nắm vị trí Chủ tịch HĐQT DongABank, nhưng trong một thời gian dài, ông được xem là người trực tiếp lèo lái ngân hàng này. Ông là là Tổng giám đốc, người điều hành trực tiếp đồng thời là phó chủ tịch ngân hàng.
Thời gian đầu, vợ ông Trần Phương Bình là bà Cao Thị Ngọc Dung đảm nhận vai trò Chủ tịch DongABank, sau lui về làm cố vấn và tập trung quán xuyến công việc tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Vài năm gần đây, trước khi ông Bình bị đình chỉ công tác, ông Cao Sĩ Kiêm là chủ tịch DongABank với vị thế thành viên độc lập.
Trước khi bị Ngân hàng Nhà nước đình chỉ chức vụ TGĐ, ông Trần Phương Bình là cổ đông cá nhân lớn nhất tại DongABank. Báo cáo nửa đầu 2015 cho thấy, ông Bình nắm giữ 15 triệu cổ phiếu DAF (tương đương 3%). Ông Cao Sĩ Kiêm nắm giữ 0%. Bà Cao Thị Ngọc Dung nắm giữ gần 9,7 triệu cổ phiếu (hơn 1,9%); các con gái Trần Phương Ngọc Giao, Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Hà nắm giữ tổng cộng 23,7 triệu cổ phiếu (tương đương khoảng 4,7%). Bên cạnh đó mẹ vợ, anh em vợ nắm giữ tổng cộng hàng triệu cổ phiếu.
Những sai phạm của lãnh đạo ngân hàng trước năm 2015 đã khiến DongABank lỗ lũy kế hơn 31 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25 nghìn tỷ đồng, mà nguyên nhân chính là do ngân hàng cho vay theo chỉ đạo ông Trần Phương Bình mà không tuân thủ các điều kiện cho vay theo quy định của pháp luật và của nội bộ ngân hàng và do việc đảo nợ. Ông Trần Phương Bình nhiều lần phải hầu tòa và nhận án tù chung thân. DongABank vẫn chưa tăng vốn lên mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index ở quanh ngưỡng 1.200 điểm.
Theo BVSC, trong tuần mới, thị trường dự báo có thể chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên đầu tuần trước khi hồi phục tăng điểm về cuối tuần. VN-Index có thể tiếp tục kiểm định vùng hỗ trợ 1.185- 1.190 điểm trong phiên kế tiếp trước khi cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm dẫn dắt như ngân hàng được kỳ vọng sẽ có diễn biến tích cực để nâng đỡ thị trường đi lên trong giai đoạn này. Đà tăng của thị trường chứng khoán thế giới, thông tin lợi nhuận quý I/2021 và mùa đại hội cổ đông sắp tới của các doanh nghiệp niêm yết sẽ là các yếu tố hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong ngắn hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/3, chỉ số VN-Index giảm 6,89 điểm xuống 1.194,05 điểm; HNX-Index tăng 0,22 điểm lên 277,7 điểm. Upcom-Index giảm 0,21 điểm xuống 81,48 điểm. Thanh khoản đạt 20,7 nghìn tỷ đồng.
V. Hà