Các cổ đông kín tiếng mua vào hàng trăm triệu cổ phiếu Ngân hàng NVB tiếp tục chứng kiến những tín hiệu tốt với lãi quý III tăng mạnh.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gần 20% so với cùng kỳ lên 211 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần đạt 439 tỷ đồng, tăng hơn 25%. Hoạt động đầu tư chứng khoán gấp 4 lần cùng kỳ lên 55 tỷ đồng.
Lương thưởng cán bộ nhân viên ngân hàng này tăng mạnh, thêm 3 triệu đồng lên trung bình 18,5 triệu đồng/tháng.
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng vẫn ổn định khiến giới đầu tư bớt lo ngại về áp lực từ nợ xấu ngân hàng. Trong báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tính tới cuối tháng 6, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu tăng 2,8% so với cuối năm 2020 và có số dư 384,96 nghìn tỷ đồng.
Nếu tính thêm các khoản nợ được cơ cấu theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu do dịch bệnh thì tỷ lệ lên tới 7,21%.
Tin chứng khoán ngày 14/10: Ngân hàng có CEO mới. |
Cổ phiếu NVB gần đây tăng mạnh, gần gấp đôi trong vòng 3 tháng qua. Vốn hóa của ngân hàng tăng thêm khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc Dân ghi nhận hàng loạt giao dịch lớn trước thời điểm tăng vốn điều lệ thêm 1.500 tỷ đồng. Gần 62 triệu cổ phiếu của ngân hàng NCB được thỏa thuận với giá 20.000 đồng/cp chỉ trong 2 phiên giao dịch ngày 7 và 8/7, với tổng giá trị hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 15% số cổ phiếu NVB đang lưu hành.
Hôm 2/7, NVB cũng ghi nhận khối lượng giao dịch khớp lệnh đột biến với gần 21 triệu cổ phiếu được trao tay.
Cả trăm triệu cổ phiếu NVB đã được giao dịch trong một khoảng thời gian ngắn. Nhóm cổ đông mới sở hữu một tỷ lệ lớn cổ phần của ngân hàng này.
Cổ phiếu NVB tăng vọt ngay sau khi ngân hàng này thông qua việc bầu bà Bùi Thị Thanh Hương (1980) - nguyên là CEO của Sun Group - nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng.
Trong vài năm, các ngân hàng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, lợi nhuận tăng vọt, nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận nghìn tỷ. Mảng dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh. Gần đây, các ngân hàng đua mở tài khoản số đẹp miễn phí, thậm chí tặng thêm quà cho khách hàng. Hoạt động tăng vốn để mở rộng quy mô, tăng dịch vụ cũng được thực hiện. Giá nhiều cổ phiếu cũng tăng mạnh.
Biến động chỉ số VN-Index. |
Tới nay, đa số các ngân hàng chưa báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng sẽ không tích cực bằng nửa đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm, nhóm ngân hàng ghi nhận nhiều cái tên báo lãi nghìn tỷ. Ngoài 12 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận nghìn tỷ ngay trong quý I, thì sang quý II có thêm SacomBank (STB), LienVietPostBank (LPB), Ngân hàng hàng hải (MSB) và SeaBank (SSB).
Bên cạnh đó, một số ngân hàng khác ghi nhận tăng trưởng khá ấn tượng trong quý II như: BIDV tăng 91% lên gần 3.800 tỷ đồng; OCB tăng 83% lên trên 1.200 tỷ đồng; cả VIB, ACB và Techcombank (TCB) đều có tỷ lệ tăng trưởng về lợi nhuận trên 60%.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 14/10
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu tăng giá nhẹ nhưng vẫn chưa thể chạm tới ngưỡng 1.400 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chịu áp lực bán ra. Nhóm bất động sản, bán lẻ… đi ngan hoặc tăng giá.
Chốt phiên sáng 14/10, chỉ số VN-Index tăng 2,58 điểm lên 1.394,49 điểm. HNX-Index tăng 4,69 điểm lên 384,03 điểm. Upcom-Index tăng 0,4 điểm lên 99,18 điểm. Thanh khoản đạt 14,3 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trong nhóm VN-30, nhóm dầu khí tăng trở lại. GAS tăng 1.500 đồng lên 112.500 đồng/cp. Nhóm ngân hàng phân hóa. Vietcombank, VPBank và ACB giảm nhẹ. Trong khi BIDV, MBB đứng giá. Vietinbank, Techcombank, Sacombank, HDBank tăng nhẹ.
Cổ phiếu Vingroup giảm 800 đồng xuống 92.300 đồng/cp. Vinhomes giảm 600 đồng.
Theo BSC, thanh khoản thị trường suy giảm trong phiên trước và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy đà tăng đã suy yếu. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên sàn HOSE và mua ròng tại sàn HNX. Với xu hướng tích lũy trong vùng 1.380-1.400 điểm tiếp tục, BSC khuyến nghị nghị các nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch và có thể cân nhắc chốt lãi 1 số cổ phiếu đã tăng giá tốt trong thời gian qua.
Trong khi đó, theo MBS, thị trường điều chỉnh nhẹ sau chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, VN-Index có cơ hội lấy lại ngưỡng 1.400 điểm trong phiên hôm qua sau hơn 3 tháng nhưng không thành công do thanh khoản không được duy trì như ở 2 phiên đầu tuần, bên cạnh đó là việc nhóm cổ phiếu bluechips suy yếu.
Dòng tiền tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi cả 2 nhóm này đều vượt đỉnh lịch sử. Xu hướng tăng điểm của thị trường chung vẫn không thay đổi, việc thanh khoản giảm cũng là tín hiệu tích cực cho thấy áp lực bán không mạnh khi chỉ số tiệm cận ngưỡng tâm lý 1.400 điểm, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh trong phiên để gia tăng tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là các cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa, năng lượng, chuỗi cung ứng, xuất khẩu,…hoặc nhóm dịch vụ tài chính như chứng khoán, ngân hàng,…
Chốt phiên chiều 13/10, chỉ số VN-Index giảm 2,89 điểm xuống 1.391,91 điểm. HNX-Index tăng 3,66 điểm lên 379,34 điểm. Upcom-Index giảm 0,03 điểm xuống 98,78 điểm. Thanh khoản đạt 22,3 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 18,8 nghìn tỷ đồng.
V. Hà