Sự trở lại của biến động trong vài tháng qua đã tạo ra cơ hội để mua cổ phiếu của các thị trường mới nổi, theo Quản lý Tài sản Titus, quỹ 500 triệu USD của Mỹ.
"Những khách hàng thông thái nhất của chúng tôi đang xem xét các mã dự kiến sẽ hoạt động tốt nhất trong 3 đến 5 năm tiếp theo, Eric Aanes - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Titus - cho biết. Theo ông, các thị trường mới nổi và ngành công nghệ cao của Mỹ "sẽ là những lĩnh vực chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất".
Chỉ số MSCI EM biến động mạnh trong vài tháng đầu năm. (Nguồn: Bloomberg)
MSCI EM (thị trường mới nổi) giảm khoảng 9% kể từ mức kỷ lục cuối tháng 1 trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Biến động lịch sử của chỉ số này sắp chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2016.
Trong số các nước đang phát triển, Ấn Độ là cái tên nổi bật nhờ triển vọng tăng trưởng và tiềm năng nhân khẩu học, ông Scot Lance - Giám đốc Điều hành Titus - nhận định. Quỹ khuyến cáo các nhà đầu tư giữ “lập trường trung lập” trên cổ phiếu Trung Quốc vì lý do tăng trưởng giảm tốc và dân số già, bên cạnh những nguy cơ chiến tranh thương mại.
Tài sản của Titus tăng gần 40%/năm trong 3 năm qua. Dưới đây là phân tích của quỹ về các thị trường mới nổi:
Thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý nghĩa gì đối với nhóm EM?
Thuế quan không có tác dụng. Phương pháp này chỉ có thể dùng như một chiến thuật đàm phán, còn về dài hạn sẽ mang ảnh hưởng tiêu cực đối với tất cả các bên liên quan.
Thị trường phản ứng dữ dội với tuyên bố của ông Trump vì đây là ý kiến rất tồi. Chúng tôi không tin rằng thuế quan sẽ được áp dụng trong thời gian dài và xem những tin tức bất ổn cùng những bài viết "gây sốc" của vị Tổng thống như cơ hội để tăng khả năng tiếp cận với các cổ phiếu EM.
Nguy cơ lớn nhất đối với EM là gì?
Rủi ro lớn nhất đối với kinh tế nhóm là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quá nhanh. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất trên thế giới và đối tác thương mại cần nước này mở rộng để giúp các nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, Fed có thể sẽ tăng lãi suất nếu nhận thấy sự cải thiện mạnh mẽ trong nền kinh tế Mỹ. Mặc dù chúng tôi không nghĩ kịch bản này sẽ xảy ra, bước đi của Fed có thể làm suy yếu hoạt động kinh tế toàn cầu, bao gồm cả các thị trường mới nổi.
Tại sao Ấn Độ lại hấp dẫn?
Ấn Độ đang triển khai chương trình tái cơ cấu vốn ngân hàng để giảm nợ xấu. Điều này cho phép các ngân hàng tăng dòng tín dụng cho người vay tốt, giúp tâm lý thị trường được cải thiện và thu hút đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, chương trình cơ sở hạ tầng lớn được Chính phủ nước này phê duyệt năm ngoái sẽ kích thích nền kinh tế. Dân số trẻ đang di cư đến các thành phố, đẩy mạnh quá trình đô thị hoá và sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu.