Tác động tới doanh nghiệp Việt về giá trị xuất khẩu
Tác động trước mắt là khi đồng USD tăng giá, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam (quy đổi từ USD sang đồng Việt Nam) sẽ tăng, giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi, gia tăng doanh thu và lợi nhuận tính bằng đồng Việt Nam.
Đồng USD tăng giá cũng khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên có tính cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ, khiến lượng hàng hóa bán ra được nhiều hơn. Tuy nhiên, không chỉ đồng Việt Nam mà các đồng tiền khác cũng đều yếu đi so với USD. Theo tính toán của tác giả từ cơ sở dữ liệu tài chính của Thomson Reuters, từ đầu năm 2022 đến nay đồng USD chỉ tăng giá so với VND khoảng 2,3% nhưng tăng giá so với đồng euro (EUR) tận 10,3%, so với nhân dân tệ (CNY) 6,3%, đồng bạt Thái 10,4%, v.v... nên xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng không được lợi quá nhiều khi cạnh tranh với các nước này.
Thạc sĩ Phan Minh Hòa - Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT
Với các thị trường nước ngoài khác, chúng ta cũng có thể so sánh tính mức độ tăng giảm giá của VND so với đồng nội tệ của họ. Trong trường hợp đồng nội tệ của nước bạn là đồng tiền thanh toán, nếu đồng Việt Nam yếu đi thì xuất khẩu được lợi, nhập khẩu sẽ thiệt, và ngược lại. Ngoài ra, xuất khẩu tăng nhiều hay không còn phụ thuộc vào độ co giãn của cầu theo giá của mỗi sản phẩm.
Nhìn chung, thực chất đồng USD vẫn là đồng tiền thanh toán chính cho phần lớn (60-70%) các hợp đồng xuất nhập khẩu của Việt Nam, nên ảnh hưởng của sự biến động của VND so với các đồng tiền khác là ít hơn. Chẳng hạn, theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các giao dịch mua bán của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn sang EU chủ yếu là đồng USD, nên đồng EUR yếu đi không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu. Những giao dịch bằng đồng EUR là mua máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu cao cấp lại được lợi từ tỷ giá.
Ngoài ra, có một điểm cần lưu ý là với một số mặt hàng, để xuất khẩu, doanh nghiệp cần nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu. Vì vậy nếu USD tăng giá, khiến cho doanh thu xuất khẩu bằng USD được lợi, thì chi phí nhập khẩu, chi phí vận tải, logistics, kho bãi, vay nợ bằng USD cũng tăng. Vì vậy, việc đánh giá được mất sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi doanh nghiệp.
Nhìn rộng ra, bên cạnh tỷ giá, điều đáng ngại hơn cho xuất khẩu là triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới, với việc lạm phát gia tăng, nguy cơ suy thoái và người tiêu dùng các nước buộc phải thắt chặt dần chi tiêu.