Qua quan sát và nghiên cứu chuyên sâu các doanh nghiệp mang lại sự giàu có bền vững cho cổ đông trên thế giới như: Coca-Cola, Pepsi, Procter & Gamble, Burlington Northern Santa Fe Railway, Nebraska Funiture Mart, Ikea, Zara, Microsoft, Apple, Wells Fargo, See’s Candies…Hay những doanh nghiệp trong nước như DSN, TCT, PTB, VNM, MWG, PNJ, HPG, FPT, GAS, VCB, FPT. Chúng tôi nhận thấy rằng tất cả đều có đặc điểm chung là có lợi thế cạnh tranh bền vững, phát triển dài hạn và đặc biệt mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp xuất sắc này đều chứa 2 đặc điểm về định lượng đó là: 1. Biên lợi nhuận gộp cao và duy trì ổn định kể cả khi quy mô mở rộng; 2. ROE luôn cao hơn khoảng 3 lần so với lãi suất ngân hàng.
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi muốn chia sẻ sâu hơn đến quý vị yếu tổ định lượng thứ nhất: Tầm quan trọng của tỷ suất biên lợi nhuận gộp của doand nghiệp.
TỶ SUẤT LỢI NHUẬN GỘP ĐƯỢC ĐO NHƯ THẾ NÀO? NÓ CÓ Ý NGHĨA GÌ?
Tỷ suất lợi nhuận gộp (Gross margin ratio) = Lợi nhuận gộp/ Doanh thu
Trong đó:
Lợi nhuận gộp = Doanh thu – Giá vốn hàng bán
(Giá vốn hàng bán là chi phí nguyên vật liệu và tiền công lao động … TRỰC TIẾP để làm ra hàng hóa đó. Nó không bao gồm chi phí bán hàng, chi phí quản lý, khấu hao và lãi vay để Doanh nghiệp hoạt động).
Tỷ suất lợi nhuận gộp có thể tính theo quý hoặc theo năm. Tỷ suất lợi nhuận gộp thể hiện khoảng chênh lệch giữa giá bán và giá vốn của sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của Doanh nghiệp. Chỉ tiêu này ngoài việc thể hiện ĐẶC THÙ VÀ CƠ CẤU MẶT HÀNG kinh doanh của các ngành khác nhau, nó còn cho biết vấn đề về KIỂM SOÁT CHI PHÍ TRONG SẢN XUẤT HOẶC CHI PHÍ ĐẦU VÀO, HOẶC KHẢ NĂNG ĐỊNH GIÁ SẢN PHẨM CAO HƠN khi so sánh các doanh nghiệp cùng ngành với nhau.
Người ta thường so sánh tỷ suất này giữa các doanh nghiệp với nhau (trong cùng một ngành) để tìm ra doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh mạnh và bền vững hơn. Bên cạnh đó, người ta cũng thi thoảng sử dụng so sánh giữa các ngành với nhau để tìm ra ngành nào bền vững hơn (trường hợp này có loại trừ, ví dụ như 1 ngành thương mại thì không thể có Biên lợi nhuận gộp (BLNG) cao được như các ngành dịch vụ hoặc sản xuất).
TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỢI NHUẬN GỘP NHƯ THẾ NÀO?
Đánh giá ngành thông qua biên lợi nhuận gộp:
Biên lợi nhuận gộp của một ngành cao và ổn định hoặc có xu hướng tăng như: Ngành du lịch, ngành phần mềm, ngành viễn thông, đồ uống, nước giải khát …, nó cho thấy thường là mức độ cạnh tranh của ngành thấp hơn, rủi ro thấp hơn và hoạt động kinh doanh ổn định hơn (điều này chỉ hợp lý với các ngành tương đồng với nhau mà không phải thước đo chung so sánh tất cả các ngành). Đối với ngành Ngân hàng, thì tỷ số biên lợi nhuận gộp tương ứng với hệ số NIM.
Ngược lại, biên lợi nhuận gộp của ngành mà thấp hoặc có xu hướng đi xuống cho thấy sự cạnh tranh trong ngành cao, rủi ro cao hơn và hoạt động kinh doanh bất ổn định hơn. Như ngành thuốc bảo vệ thực vật, ngành thủy sản, ngành cao su săm lốp, vận tải biển, cảng biển …
Đánh giá doanh nghiệp cùng ngành dựa vào biên lợi nhuận gộp (cùng lĩnh vực sản xuất kinh doanh cạnh tranh nhau):
BLNG của doanh nghiệp nào cao, ổn định có thể tăng trưởng cho thấy nó có những lợi thế đặc biệt so với những doanh nghiệp có biên lợi nhuận thấp hơn, có chiều hướng suy giảm. Ví dụ, VNM có lợi thế đặc biệt về quy mô, kênh phân phối làm cho biên lợi nhuận gộp ngày càng tăng mạnh từ mức 25.2% năm 2004 tăng lên mức 47% năm 2017 cao hơn rất nhiều so với phần còn lại của ngành sữa; Chuỗi điện thoại của MWG do bán số lượng lớn nên được hưởng chiết khấu cao hơn từ nhà sản xuất làm cho biên lợi nhuận gộp ngày càng tăng; năm 2017, đạt khoảng hơn 17% cao hơn so với của FPT shop và các chuỗi, cửa hàng bán điện thoại khác. HPG có lợi thế nhờ công nghệ sản xuất hiện đại, khép kín, tốc độ triển khai dự án nhanh, quy mô sản xuất lớn dẫn đến giá vốn hàng bán thấp hơn làm cho biên lợi nhuận gộp cao khoảng trên 20% thường cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành khác như POM, VIS, TIS, DNY…khoảng 10%. TCB nhờ thương hiệu mạnh, uy tín nên có được nguồn vốn đầu vào giá rẻ nhất ngành từ đó làm cho NIM rất cao. DSN là khu vui chơi gần như độc quyền tại Sài Gòn, không có đối thủ cạnh tranh do đó biến lợi nhuận rất cao. VCW, TDM, VAV, BWE cung cấp nước là nhu cầu thiết yếu và tăng trưởng hàng năm trong khi không phải cạnh tranh mạnh từ đó làm cho biên lợi nhuận gộp đã cao lại ngày càng cao).
Ngược lại biên lợi nhuận thấp và có hướng suy giảm cho thấy các doanh nghiệp này không có lợi thế cạnh tranh bền vững dài hạn thậm chí đang tụt lùi: (HVG do cạnh tranh mạnh, hoạt động trong mảng thủy sản rủi ro cao, trong khi chi phí không kiểm soát được làm cho biên lợi nhuận gộp ngày càng giảm mạnh; DRC và CSM cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc nên biên lợi nhuận gộp ngày càng suy giảm mạnh, DXP do bị ảnh hưởng từ cầu bạch đằng và sự cạnh tranh gay gắt của các cảng mới phía ngoài cầu bạch đằng nên phái giảm giá dịch vụ nên làm cho BLNG giảm mạnh, VOS, VSP do bất lợi mua tàu vào đúng thời điểm giá quá cao sau đó lại gặp cạnh tranh gay gắt làm giá dịch vụ giảm còn 1/5 lúc cao điểm làm cho biên lợi nhuận gộp thậm chí âm.
MỘT SỐ LƯU Ý KHI ÁP DỤNG TỶ SUẤT BIÊN LỢI NHUẬN GỘP TRONG ĐẦU TƯ
Áp dụng biên lợi nhuận gộp cần có kết hợp chặt chẽ với lợi nhuận ròng, cơ cấu nợ vay/vốn chủ sở hữu và thước đo định giá cổ phiếu.
Áp dụng biên lợi nhuận gộp cần có sự quan sát số liệu lâu năm (tối thiểu 3-5 năm), để loại trừ yếu tố bất thường.
Sử dụng biên lợi nhuận gộp trong đầu tư cổ phiếu chỉ nên áp dụng với những doanh nghiệp có BLNG ổn định hoặc tăng trưởng tốt.
Phương pháp sử dụng biên lợi nhuận gộp cực kỳ hiệu quả với những doanh nghiệp có cơ sở để dự báo được xu hướng biên lợi nhuận gộp trong tương lai.