Giovambattista Presti, một nhà tâm lý học tại Đại học Kore Enna ở Sicily, là nhà cố vấn cho Policlinico, bệnh viện lâu đời nhất Milan, nằm ở trung tâm của dịch bệnh covid-19 của Ý. Theo ông Presti, mối lo ngại lớn hiện nay là sự kiệt sức của nhân viên y tế.
Ông đặc biệt lo lắng về chứng rối loạn căng thẳng xảy ra sau khi đại dịch kết thúc. Nếu các bệnh viện đạt đến giới hạn không còn khả năng điều trị cho mọi bệnh nhân, một số người trong số họ "sẽ bị buộc phải quyết định ai nên được chăm sóc đặc biệt và ai nên bị bỏ lại đến chết."
Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra ở nơi khác. Daniele Macchini là một bác sĩ tại bệnh viện Humanitas Gavazzeni ở Bergamo. Nơi này đã bị quá tải bởi số bệnh nhân nhiễm covid-19. "Các ca nhiễm đang gia tăng với cấp số nhân", anh ấy đã viết trên Facebook. Các kết quả xét nghiệm đến tập nập: dương tính, dương tính và dương tính. Mọi thứ gần như sụp đổ. Các y tá đã không thể cầm nước mắt, "chúng tôi không thể cứu tất cả mọi người."
Những thông tin này đến từ vùng Lombardy, một khu vực giàu có, sở hữu dịch vụ y tế được đánh giá là thuộc hàng tốt nhất ở quốc gia mà năm ngoái đứng thứ hai ở châu Âu trong bảng xếp hạng về hiệu quả chăm sóc sức khỏe của Bloomberg. Vào ngày 10 tháng 3, ông Antonio Pesenti, điều phối viên chăm sóc đặc biệt cho những điểm quá tải ở Lombardy, đã nói với các nhà báo rằng hệ thống y tế của vùng "đang trên bờ suy sụp."
Dịch bệnh ở Ý, tập trung chủ yếu ở vùng Lombardy, đang lây lan nhanh chóng. Số người chết ở Ý giờ đã vượt quá cả Trung Quốc, và số ca nhiễm lên tới gần 60.000 người. Những cái chết đã gia tăng nhanh hơn nữa khi virus này có tỷ lệ gây tử vong cho người già cực lớn, và Ý là quốc gia có dân số già nhất Châu Âu.
Cuộc khủng hoảng ở Ý đã thực sự gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh tại Châu Âu và Châu Mỹ. Ở nhiều quốc gia, số lượng các trường hợp nhiễm bệnh đang gia tăng nhanh chóng, và họ cũng sẽ sớm đi tới thời điểm như Ý đang trải qua. Các chính phủ ở nơi khác cũng đang theo dõi để xem liệu các nỗ lực của Ý có làm chậm dịch bệnh hay không, giảm sự lây lan và giảm áp lực lên các bệnh viện hay không.
Số ca lây nhiễm tại Ý đang tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực (Nguồn: The Economist)
Vào ngày 8 tháng 3, chính phủ Ý đã áp lệnh cấm trên toàn quốc đối với các cuộc tụ họp lớn. Đám cưới và đám tang lớn đã bị cấm; bảo tàng, rạp chiếu phim và nhà hát đã bị đóng cửa. Hạn chế đi lại trên toàn quốc được áp dụng một ngày sau đó. Người dân không được phép rời khỏi hoặc đi du lịch trong các thành phố và thị trấn nơi họ sinh sống, ngoại trừ vì lý do công việc hoặc trường hợp khẩn cấp. Các nhà hàng, quán bar và tất cả các cửa hiệu ngoại trừ cửa hàng bán đồ ăn và hiệu thuốc được yêu cầu đóng cửa hoàn toàn từ ngày 12 tháng 3. Châu Âu đã không chứng kiến sự kiểm soát với quy mô như vậy kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Ban đầu các nước châu Âu khác đang chọn các biện pháp ít hà khắc hơn. Giống như Ý, một số quốc gia bao gồm Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp đã đóng cửa các trường học và đại học. Tuy nhiên với tình hình nhanh chóng trở nên nghiêm trọng hơn, họ đã học tập theo Ý.
Ở Mỹ, các biện pháp được đa dạng hóa đang được áp dụng ở cấp hạt hoặc tiểu bang. Một số lượng lớn các trường đại học, bao gồm Harvard và Princeton, đang chuyển sang giảng dạy từ xa hoặc cho phép sinh viên về nhà. Nhưng nếu những hạn chế này không làm chậm một cách đáng kể tốc độ lây nhiễm đang gia tăng, có lẽ họ nên học tập theo Ý.
Phong tỏa toàn nước Ý đã được thúc đẩy bởi sự thành công rõ ràng từ việc áp dụng các biện pháp tương đương ở cấp độ khu vực. Chính phủ đã thử nghiệm các hạn chế tương tự ở hai khu vực nguy cơ cao xung quanh một số thị trấn nhỏ ở phía bắc của đất nước, nơi mà vào cuối tháng 2, họ đã tìm thấy các cụm dịch covid-19 lớn đầu tiên. Vào ngày 8 tháng 3, Silvio Brusaferro, chủ tịch của Viện sức khỏe cộng đồng quốc gia Ý, cho biết số ca nhiễm mới ở cả hai khu vực đang giảm.
Nhưng điều đó không đảm bảo việc cách ly với quy mô quốc gia sẽ dẫn đến kết quả tương tự. Hiệu quả của việc cách ly phụ thuộc vào hai điều: mức độ mà mọi người tuân thủ các quy tắc; và khoảng thời gian các quy tắc có hiệu lực với khu vực đó xét về chi phí kinh tế và xã hội rất lớn. Đối với những người đang quan sát nước Ý, câu hỏi quan trọng là liệu họ có cần phải hành động triệt để như vậy hay không, hay liệu các biện pháp nhẹ nhàng hơn cũng có thể đẩy lùi dịch bệnh.
Ý đang "nối gót" Trung Quốc, quốc gia đã khống chế được covid-19 hoành hành ở tỉnh Hồ Bắc và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát ở nơi khác bằng cách cách ly nghiêm ngặt diện rộng. Hàng triệu người đã ở nhà trong nhiều tuần. Ở một số thành phố, chẳng hạn như Vũ Hán, người dân bị cấm không cho rời khỏi nhà trong hơn một tháng. Việc phong tỏa đã được thực thi nghiêm ngặt bởi các ủy ban khu phố và quản lý tòa nhà. Ngược lại, ở Ý, việc thực hiện yêu cầu hạn chế đi lại phụ thuộc vào sự hợp tác của cộng đồng.
Cho đến nay, người Ý dường như đang nỗ lực tuân thủ các quy tắc mới. Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ.
Một nhân viên khuân vác của bệnh viện đã xét nghiệm dương tính với virus và đáng lẽ phải tự cách ly, thì lại đi mua sắm trong một siêu thị tại Sciacca ở Sicily. Anh ta có nguy cơ bị buộc tội lan truyền dịch bệnh và chịu hình phạt tối đa là 12 năm tù. Mọi người vẫn tập trung tại các quán bar và câu lạc bộ - ít nhất là để xem một trận đấu bóng đá trước khi các biện pháp nghiêm ngặt nhất có hiệu lực. Nhưng tại Caserta gần Naples, nơi một số vi phạm đã được báo cáo trong ngày kiểm tra đầu tiên, một sĩ quan cao cấp cho biết: "Người dân bắt đầu nhận thức được rằng vì lợi ích của sức khỏe của chính họ, hạn chế di chuyển là điều cần thiết."
Mức độ mà mọi người tiếp tục tuân thủ các quy định như giữ khoảng cách với bạn bè, đồng nghiệp và công chúng phụ thuộc phần lớn vào thời gian họ được yêu cầu để làm điều đó. Các biện pháp hạn chế tiếp xúc trong cộng đồng có hiệu quả nhất khi chúng được áp dụng sớm, và nên là trước khi dịch bệnh bùng phát, Elias Mossialos từ Trường Kinh tế Luân Đôn cho biết. Ở các thành phố mà Trung Quốc áp đặt các hạn chế đối với việc tụ tập và di chuyển đông người trước khi xác nhận trường hợp nhiễm covid-19 đầu tiên, số ca lây lan trong tuần đầu tiên ít hơn so với những nơi hành động muộn hơn.
Các nhà khoa học lo ngại rằng nếu không áp dụng các biện pháp chặt chẽ ngay bây giờ, sự mệt mỏi vì phải tuân thủ có thể xảy ra ngay khi dịch bệnh đang bùng phát. Nhưng những hạn chế nghiêm ngặt hơn chắc chắn đang được tiến hành.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy các nhà khoa học ở Anh có thể đúng khi lo lắng. Bên ngoài thành phố Daegu, nơi ghi nhận hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh, chính phủ đã không đưa ra bất kỳ hạn chế mang tính bắt buộc nào, mà hy vọng thay vào đó mọi người sẽ tự nguyện làm theo lời khuyên để ở nhà và giữ gìn sức khỏe khi tham gia các cuộc họp bắt buộc .
Ở tỉnh Gyeonggi cạnh Seoul, những người tham dự đám tang đã được yêu cầu hợp tác kiểm tra thân nhiệt trước khi viết tên vào danh sách khách viếng thăm. Họ cũng đã được lệnh giảm thiểu tiếp xúc và trò chuyện với những người khác tham dự (bao gồm cả người thân của người quá cố). Trên khắp đất nước, khách tham dự đám cưới phải đeo khẩu trang - và cả cặp vợ chồng, khiến nhiều người phải hoãn lễ cưới.
Các nhà hàng và quán bar ở Seoul hầu như không có người ghé thăm trong thời kỳ đỉnh cao của chiến dịch cách ly xã hội của chính phủ, bắt đầu tại thủ đô vào ngày 2 tháng 3. Nhưng điều đó đã thay đổi trong những ngày gần đây. Những điểm đến buổi đêm nổi tiếng tại Seoul đã bắt đầu chứng kiến hàng dài người. Tàu đầy ắp người và mọi người chủ quan hơn về việc đeo khẩu trang. Sự thay đổi có lẽ là kết quả của các thông báo rằng dựa trên sự sụt giảm mạnh của các ca lây nhiễm mới trong những ngày gần đây, họ hy vọng rằng đất nước đã vượt qua đỉnh điểm của dịch bệnh.
Nhưng vào ngày 11 tháng 3, một cụm phát bệnh mới được phát hiện tại một tòa nhà văn phòng ở Seoul, nằm cạnh một trong những điểm giao thông tàu điện ngầm đông đúc nhất thành phố. Sự bùng phát có thể khiến mọi người buộc phải ở nhà một lần nữa. Và chính phủ có thể bắt đầu thực thi các quy tắc của mình nghiêm ngặt hơn nếu cách tiếp cận tự nguyện là không đủ.
Khi các quốc gia sử dụng các biện pháp với cường độ khác nhau để chống lại covid-19, câu hỏi liệu biện pháp nào có hiệu quả nhất, và biện pháp mạnh nhất có phải có hiệu quả nhất hay không, sẽ có câu trả lời. Gabriel Leung, một nhà dịch tễ học từ Đại học Hồng Kông, thành viên của nhóm Tổ chức Y tế Thế giới, đã đánh giá các nỗ lực của Trung Quốc để ngăn chặn dịch bệnh, và cho rằng không ai biết sự kết hợp giữa các biện pháp kiểm soát nào là tốt nhất. "Bạn có cần phải làm tất cả mọi thứ như Trung Quốc đã làm để kiểm soát dịch bệnh không?, và ông Leung cho rằng, "đó thật sự là một câu hỏi khó."
Tham khảo Economist