Nghĩa tình những tấm thẻ bảo hiểm y tế
Cầm tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được các chị ở Hội LHPN xã Hưng Lợi đến nhà trao tận tay, chị Ngô Thị Vinh ở xóm 5, xã Hưng Lợi, không giấu nổi sự xúc động. Trò chuyện với chúng tôi, chị chia sẻ: Sau khi hiến 1 quả thận cho con trai bị suy thận, sức khỏe của chị cũng giảm sút nhiều, mỗi tháng chị đều đặn ra Hà Nội 1 lần để khám định kỳ, theo dõi sức khỏe.
Phụ nữ xã Hưng Lợi thu gom lon bia bán lấy kinh phí mua BHYT và con giống tặng hội viên nghèo. Ảnh: K.L
"Phong trào này còn góp phần thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, hình thành ý thức phân loại rác thải tại nguồn của chị em nói chung, người dân nói riêng”. Chị Nguyễn Thị Xoan |
Nguồn thu nhập của gia đình chị Vinh vốn chỉ trông vào nghề nông, vài con gà, dăm con lợn. Vì thế từ khi mẹ và con ốm đau, gia cảnh của chị đã khó lại càng thêm khó hơn. Thế nhưng, chị may mắn được được bà con láng giềng nhất là các chị hội viên hội phụ nữ các cấp đồng hành. Không chỉ quan tâm, động viên, chị còn được Chi hội Phụ nữ tặng thẻ BHYT 2 lần.
Chị chia sẻ: “Tấm thẻ BHYT có ý nghĩa lớn lao với gia đình tôi, trong lúc khó khăn hoạn nạn mới càng hiểu hơn những tấm lòng của chị em dành cho nhau”.
Nói về việc làm nghĩa tình này, chị Đậu Thị Tuất - Chi hội trưởng Phụ nữ xóm 5, xã Hưng Lợi, cho biết: Thẻ BHYT tặng cho chị Vinh cũng như nhiều chị em khác trong chi hội có được là từ nguồn kinh phí do chị em trong xóm thu gom bán rác thải, phế liệu mà có.
Thì ra, hàng quý, rác thải được các chị em phân thành nhiều loại, có loại xử lý ngay tại chỗ, còn đồ nhựa, lon bia, bìa các tông thì giữ lại đem bán lấy kinh phí mua thẻ BHYT giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn hay đau ốm nhưng chưa có điều kiện mua thẻ.
Nói về phong trào “biến” rác thải thành thẻ BHYT, chị Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN xã Hưng Lợi cho hay: “Toàn xã có khoảng 700 hội viên phụ nữ ở 6 xóm (trước khi chưa sáp nhập là 9 xóm). Phong trào đã được triển khai được 4 năm và được chị em trong xã hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay, các cấp hội đã trao được gần 20 thẻ BHYT cho các chị hoàn cảnh khó khăn, trong đó riêng năm đầu tiên triển khai trao được 8 thẻ, có những trường hợp đã được trao 2 lần như chị Đậu Thị Chín (ở xóm 3, là mẹ đơn thân, bị tai biến nằm một chỗ đã 15 năm), hay chị Hồ Thị Toan (xóm 4) là mẹ 3 con, trong đó cô con gái học lớp 6 bị bệnh xương thủy tinh đã nhiều năm, chồng cũng mới bị tai nạn khá nặng để lại di chứng".
Biến rác thành con giống
Cũng từ phong trào thu gom rác thải, ở Hưng Nguyên, nhiều hội phụ nữ xã đã trao nhiều đợt con giống cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, điển hình như Hội LHPN xã Hưng Yên Bắc.
Là một trong những trường hợp đầu tiên được trao tặng con giống, chị Đinh Thị Thường ở xóm 2, xã Hưng Đạo chia sẻ: “Dù giá trị vật chất không lớn (30 con gà giống) nhưng giá trị tinh thần vô cùng to lớn, là nguồn động viên giúp mẹ con tôi xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống”.
Được biết, chị Thường là mẹ đơn thân, mưu sinh bằng nghề thu gom phế liệu, làm ruộng, năm vừa rồi đi làm thuê không may bị máy cắt đứt mấy ngón chân, thương tật nặng nề. Hoàn cảnh hết sức khó khăn nên chị thường xuyên nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã, xóm.
Hay trường hợp của chị Nguyễn Thị Liễu (xóm 3), cũng là mẹ đơn thân, con gái đã đi lấy chồng nên chị ở một mình, sức khỏe không tốt nên không thể làm việc nặng, chỉ quanh quẩn ruộng vườn. Sau khi được tặng đàn gà giống nhờ chăm sóc, tái đàn tốt nên sau xuất chuồng, chị đã mua sắm được bếp gas, mua các vật dụng khác phục vụ cuộc sống…
Chị Nguyễn Thị Xoan - Chủ tịch Hội LHPN xã Hưng Yên Bắc cho hay: “Hàng ngày, rác thải nhựa, phế liệu được thu gom, phân loại ngay tại gia đình. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, sau khi nghe thông báo trên loa phát thanh, chị em hội viên sẽ nộp phế liệu cho hội phụ nữ xóm bán lấy tiền mua con giống tặng hội viên nghèo. Xã có 11 chi hội, bình quân mỗi năm mỗi chi hội tặng con giống cho 2 hội viên có hoàn cảnh khó khăn do các cấp hội xét chọn, động viên chị em vươn lên thoát nghèo”.