Giá dầu giảm mạnh trong tháng 11 sau nhiều thông tin tiêu cực
Kết thúc tháng 11, dầu thô chìm trong sắc đỏ với giá Brent giảm 16%, giá WTI giảm 19% so với tháng 10, chấm dứt xu hướng tăng liên tục kéo dài trong tháng 09 và tháng 10. Thị trường bắt đầu nhịp điều chỉnh sau thông tin Iran và Mỹ nối lại vòng đàm phán hạt nhân sau 5 tháng trì hoãn, mở ra triển vọng Tehran quay trở lại xuất khẩu dầu.
Đặc biệt nhất, giá dầu có sự sụt giảm đáng kể trong tháng 11 sau khi Mỹ đưa ra thông báo kêu gọi các nước tiêu thụ dầu lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản phối hợp mở kho dự trữ để điều tiết giá mặt hàng này. Một loạt các thông tin tiêu cực như tồn kho dầu thô tại Mỹ gia tăng liên tục, hay Tổng thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho rằng thị trường sẽ rơi vào trạng thái thặng dư dầu vào tháng 12 tới. Trên hết, sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới mang tên Omicron đang khiến thị trường rơi vào chuỗi giảm kéo dài.
Diễn biến giá dầu Brent trong năm 2021.
Đóng cửa ngày 01/12/2021, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 1 trên Sở NYMEX giảm thêm 0,9% xuống mức 65,57 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent kỳ hạn tháng 2 trên sở ICE giảm 0,5% xuống còn 68,87 USD/thùng.
Chỉ số MXV-Index Năng lượng, chỉ số thể hiện sự biến động của các mặt hàng dầu thô, khí tự nhiên và xăng pha chế, đóng cửa giảm 1,1% xuống mức 3.112 điểm, là mức thấp nhất kể từ ngày 23/08 tới nay. Tuy giảm, nhưng dòng tiền vẫn liên tục đổ vào thị trường năng lượng, bởi đây là thị trường có thể mở vị thế bán khi kì vọng giá giảm. Giá trị giao dịch nhóm này trong ngày hôm qua vẫn duy trì ở trên 2.000 tỷ đồng.
Các yếu tố tác động đến thị trường hiện tại
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), không có một yếu tố nào có tác động lớn đến thị trường như sự xuất hiện của biến thể Omicron. Thông tin về biến thể này xuất hiện ngay khi thị trường vừa mở cửa trở lại sau dịp nghỉ Lễ Tạ ơn, khiến dầu thô rơi vào “Ngày thứ Sáu đen tối”.
Giá dầu giảm gần 10 USD/thùng chỉ trong vài giờ. Giá dầu WTI đánh mất mốc 70 USD/thùng và quay trở về vùng giá hồi tháng 5. Đây là mức giảm lớn nhất trong năm nay, gợi cho thị trường nhớ về tháng 4 năm ngoái, khi lo ngại về đại dịch Covid-19 bùng phát đẩy giá dầu xuống mức thấp nhất lịch sử.
Một mặt, biến thể Omicron mới xuất hiện đúng lúc một số nước châu Âu đang cân nhắc áp dụng trở lại biện pháp hạn chế di chuyển càng khiến cho viễn cảnh mùa đông năm nay trở nên tăm tối. Nhu cầu đi lại giảm kết hợp với việc các văn phòng đóng cửa sẽ khiến cho lượng tiêu thụ nhiên liệu của các máy sưởi ấm giảm. Theo ước tính từ Ủy ban Kỹ thuật của OPEC+ tối qua, thị trường dầu có thể sẽ thặng dư 3 triệu thùng/ngày trong quý I năm sau.
Mặt khác, rủi ro về Covid-19 bùng phát trong thời điểm các Ngân hàng Trung ương phải quyết định có nên duy trì hoặc cắt giảm nhanh chóng các gói tài trợ tài chính càng khiến cho rủi ro trên thị trường gia tăng. Việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell trong buổi phát biểu trước Thượng viện cho biết sẽ cân nhắc đẩy nhanh tiến độ cắt giảm các khoản mua trái phiếu để ngăn chặn lạm phát có thể khiến cho dòng tiền dịch chuyển về các tài sản an toàn.
Từ đầu năm đến nay, khoản tiền FED bơm ra thị trường trị giá 120 tỷ USD/tháng đã là một tác nhân lớn thúc đẩy đà tăng của thị trường tài chính. Do vậy, khi FED ra tín hiệu thắt chặt cung tiền sớm hơn kế hoạch đưa ra trước đó, chắc chắn sẽ gây áp lực đến các thị trường chung, đặc biệt là hàng hoá.
Với các rủi ro nói trên, một số chuyên gia kỳ vọng OPEC+ có thể sẽ phải tạm hoãn kế hoạch gia tăng sản lượng trong đầu năm sau. Do nguồn thu ngân sách của 20 thành viên tham gia vào cuộc họp phần lớn đều đến từ dầu mỏ, OPEC+ có động lực lớn để hỗ trợ giá. Tuy vậy, khó khăn trong việc đi đến một thoả thuận chung cho các bên, cộng với việc Saudi Arabia và Nga đã lên tiếng tiếp tục ủng hộ các thoả thuận, nên nhiều khả năng nhóm sẽ giữ nguyên mức tăng sản lượng, ít nhất là trong cuộc họp lần này.
Hướng đi nào cho giá dầu trong thời gian tới?
Như vậy, có thể thấy rủi ro khó lường nhất hiện tại vẫn là diễn biến của đại dịch COVID-19. Theo ước tính của giới khoa học, cần ít nhất 2 tuần nữa để có thể đánh giá tác động của biến thể Omicron đối với các loại vắc-xin hiện tại, cũng như mức độ nghiêm trọng của biến thể này với sức khỏe con người.
Nếu như biến thể này thực sự đòi hỏi một loại vắc-xin mới, có khả năng các quốc gia sẽ phải đẩy lùi thời gian mở cửa để ngăn chặn dịch lây lan. Hiện tại, Mỹ và các nước châu Âu đã hạn chế khách du lịch đến từ Nam Phi để đề phòng dịch lan rộng. Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, có khả năng sẽ tiếp tục siết chặt các quy định kiểm soát dịch do nước này vẫn giữ quan điểm không COVID-19.
Theo MXV, điều này sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu và làm tăng nguy cơ thặng dư dầu trong đầu năm sau, gây áp lực cho giá đi xuống dưới vùng 70 USD/thùng. Ngược lại, nếu Omicron không tạo ra thiệt hại lớn, giá có thể sẽ phục hồi trở lại. Tuy nhiên, mức tăng sẽ bị hạn chế, do thị trường đã được nhắc nhở rằng các rủi ro tiềm ẩn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.