Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi tìm đến xưởng sản xuất của anh Nguyễn Phú Tùng tại Tp.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Tại đây, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi những mảnh xơ mướp tưởng chừng là phế phẩm, bỏ đi lại được những đôi bàn tay khéo léo của các thợ may và công nhân nơi đây biến hóa thành vô vàn sản phẩm bắt mắt và đa dạng.
Anh Tùng chia sẻ với chúng tôi về hành trình lập nghiệp với xơ mướp của mình. Anh kể: "Trước đây, tôi từng có cơ hội thăm quan và tìm hiểu nhiều mô hình sản xuất từ nguyên liệu xơ mướp. Qua đó, tôi nhận thấy, các sản phẩm từ xơ mướp rất được người tiêu dùng , đặc biệt là thị trường nước ngoài ưa chuộng".
Niềm đam mê nông nghiệp sạch đã thôi thúc anh Tùng bàn bạc với 3 người bạn của mình và đi đến quyết định khởi nghiệp, cùng nhau làm giàu từ xơ mướp. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường và từng bước phát triển cộng đồng tiêu dùng xanh.
Năm 2020, anh và các cộng sự bắt tay vào dự án trồng mướp trên diện tích 1,8ha tại huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk). Đồng thời, thành lập Công ty cổ phần Loofaa do anh Tùng làm Tổng Giám đốc để phục vụ kinh doanh. Tuy nhiên, những ngày đầu khởi nghiệp không hề dễ dàng.
Anh Tùng lý giải: "Chúng tôi đều là 'tay ngang', không có kiến thức về sản xuất các sản phẩm từ xơ mướp, đặc biệt là các loại túi xách và sản phẩm thời trang. Do đó, những ngày đầu, chúng tôi phải đối mặt với vô vàn thử thách trong việc thiết kế mẫu mã cho sản phẩm.
Các sản phẩm đầu tiên làm ra nhìn không giống ai. Có lần, tôi làm được một chiếc mũ thời trang từ nguyên liệu xơ mướp và mang xuống Tp.Hồ Chí Minh, nhưng không dám giới thiệu hay quảng bá cho ai. Thậm chí, tôi không dám cho ai đội thử vì sợ những sợi xơ mướp sẽ rơi lên đầu mọi người".
Không nản lòng trước khó khăn, anh Tùng cùng các cộng sự quyết định tổ chức một cuộc thi thiết kế sản phẩm từ xơ mướp cho các công nhân, thợ may trong công ty tham gia. Kết quả, từ cuộc thi đó, doanh nghiệp của anh đã cho ra đời nhiều sản phẩm túi xách, mũ thời trang với mẫu mã mới lạ, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng .
Bằng sự sáng tạo không ngừng, đến nay, anh Tùng và các cộng sự đã sản xuất ra nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ trong nhà bếp như tấm lót nồi, tấm lót ly, miếng nhấc nồi, miếng rửa chén, và cây rửa ly.
Trong nhà tắm, các dụng cụ như cây kỳ lưng, đai kỳ lưng, túi đựng xà phòng, bông tắm cũng được sản xuất với chất lượng cao .
Đặc biệt, hàng loạt sản phẩm độc đáo như mũ, hơn 20 mẫu túi xách thời trang, ví cầm tay và dép từ xơ mướp đã thu hút sự quan tâm của khách hàng trong và ngoài nước. Không dừng lại ở đó, anh còn cho ra đời những bức tranh vẽ trên thảm xơ mướp, mở ra một hướng đi mới cho sản phẩm từ nguyên liệu thiên nhiên.
Trong hành trình tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, anh Tùng không ngần ngại tận dụng mọi mối quan hệ từ bạn bè trong và ngoài nước để giới thiệu các sản phẩm từ xơ mướp của mình. Anh tích cực tham gia các triển lãm, hội chợ và không quên khai thác các nền tảng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng .
Nhờ những nỗ lực này, Công ty cổ phần Loofaa không chỉ tiêu thụ sản phẩm trong nước mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế, xuất khẩu sang các nước như Pháp và Hồng Kông. Thời gian qua, nhiều đối tác ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã đến thăm nơi sản xuất và đưa ra nhiều phương án hợp tác với Loofaa.
Anh Bùi Trung Khải, Giám đốc sản xuất của Công ty cổ phần Loofaa – người cộng sự đắc lực của anh Tùng chia sẻ: "Sản phẩm của chúng tôi chủ yếu được sản xuất thủ công. Mướp sau khi thu hoạch sẽ được ngâm và rửa qua nước 3 lần để bóc sạch lớp xơ. Sau đó, xơ mướp được phơi khô và ép lại để làm nguyên liệu. Sau khi có nguyên liệu, công nhân sẽ tiến hành cắt, may theo các khuôn mẫu để cho ra sản phẩm hoàn thiện".
Hiện, doanh nghiệp của anh Tùng đã đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Công ty còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 14-15 lao động, với mức lương từ 3-6 triệu đồng/tháng.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, anh Nguyễn Phú Tùng và các cộng sự không ngần ngại mở rộng liên kết.
Ngoài vùng nguyên liệu của công ty, các anh đã ký hợp đồng trồng mướp với 8 hộ dân tại phường Khánh Xuân (Tp.Buôn Ma Thuột) và huyện Krông Búk, với tổng diện tích gần 20ha.
Doanh nghiệp của anh cam kết mua mướp với giá ổn định 5.000 đồng/quả. Từ đó, không chỉ tạo công ăn việc làm, mà còn nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.
Một trong những hộ dân liên kết trồng mướp thành công là trường hợp của vợ chồng chị H’Wên Êban (SN 1998) và anh Đỗ Ngọc Vũ (SN 1993, trú tại phường Khánh Xuân).
Chị H’Wên chia sẻ: "Gia đình tôi có 1ha đất, trước đây chỉ trồng bầu, mướp và bán trái tươi, mỗi năm thu hoạch được khoảng 20 tấn. Do giá cả bấp bênh nên mỗi năm chỉ thu được khoảng 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi chỉ khoảng 100 triệu. Chưa kể, nhiều vụ, thương lái không đến thu mua, khiến gia đình phải bỏ phế cả vườn mướp".
Từ năm 2022, vợ chồng chị H’Wên đã ký hợp đồng trồng mướp với Công ty cổ phần Loofaa, hy vọng tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Mỗi năm, vợ chồng chị trồng 2 vụ mướp, thu khoảng 60.000 trái để bán cho công ty.
Chị H’Wên cho hay: "Sau khi trừ chi phí đầu tư, chúng tôi thu lãi từ 250-260 triệu đồng/ha/năm. Cuộc sống gia đình ngày càng cải thiện, có của ăn của để và có kinh phí để nuôi 2 con ăn học. Nhờ nguồn thu nhập này, gia đình tôi còn có thể sắm sửa các đồ dùng trong nhà, nâng cao chất lượng cuộc sống".
Tương tự, anh Đỗ Xuân Nhanh (SN 1987, trú tại khối 15, phường Khánh Xuân) cũng đã tìm thấy cơ hội mới từ việc liên kết trồng mướp với công ty của anh Tùng.
Do không có đất sản xuất, cách đây nhiều năm, anh Nhanh và một người bạn đã thuê đất tại khối 15 để trồng hoa màu. Thời gian đầu, anh trồng dưa leo, bầu, bí, thu hoạch mỗi năm từ 30-40 tấn quả các loại/ha. Nhưng giá cả không ổn định, hàng năm chỉ thu được khoảng 200 triệu đồng (chưa trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, thu hoạch.
Cách đây 3 năm, sau khi ký hợp đồng trồng mướp với Công ty cổ phần Loofaa, cuộc sống của gia đình anh Nhanh đã thay đổi.
"Giờ đây, tôi và bạn mình thu lời 300 triệu đồng/ha/năm. Điều này đã giúp tôi cải thiện thu nhập và ngày càng vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, chúng tôi không còn phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản như trước đây nữa", anh Nhanh chia sẻ.
Ông Trần Quốc Á, Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân thông tin, trước đây, một số diện tích tại khu vực khối 15, khối 5... trên địa bàn phường, người dân trồng cà phê nhưng năng suất thu hoạch không cao. Một số hộ cũng thử trồng hồ tiêu, nhưng chỉ sau một thời gian thì cây tiêu chết.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi sang trồng các loại hoa màu như mướp đắng, bầu và bí để cải thiện thu nhập. Đặc biệt, việc liên kết với doanh nghiệp để trồng mướp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. "Quá trình liên kết đã giúp người dân được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, không còn phải phụ thuộc vào giá cả thị trường như trước. Nhờ vậy, thu nhập của nhiều hộ dân đã được nâng cao và sản xuất trở nên bền vững hơn", ông Á nhấn mạnh.
Chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân liên kết với các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến hợp tác, liên kết với người dân trong sản xuất. Thậm chí, phường còn thành lập ban chỉ đạo để hỗ trợ người dân trên địa bàn sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Khánh Ngọc