Trải qua gần 100 năm tuổi với bao thăng trầm của lịch sử, căn biệt thự cổ ở Hàng Bè (Hà Nội) của gia đình cụ Trương Thị Mô vẫn được con cháu giữ gìn nguyên vẹn, với lối kiến trúc Pháp đặc trưng.
Căn biệt thự xây trong 1 năm, nội thất toàn nhập từ châu Âu
Nằm ngay giữa phố cổ Hà Nội sầm uất, căn biệt thự của gia đình cụ Trương Thị Mô (sinh năm 1924) nổi bật bởi nét rêu phong và kiến trúc cổ kính. Công trình có tổng diện tích 800 m2 được xây dựng từ năm 1925, cách đây khoảng 100 năm.
Hiện căn biệt thự là nơi ở của gần 10 hộ dân, tất cả đều là các thệ hệ con cháu nối tiếp trong gia đình.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, dù một số hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp nhưng nhìn chung tổng thể căn nhà vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc Pháp cổ. Trong đó, một số đồ đạc như: bàn ghế, sập gụ, tủ, quạt, bát… vẫn được con cháu cụ Mô gìn giữ như báu vật vô giá trong nhà đình.
Chia sẻ với phóng viên, cô Lê Thanh Thủy, con gái cụ Mô cho biết, sức khỏe mẹ mình hiện đã yếu, không còn minh mẫn như trước. Thời còn trẻ, cụ bà rất hay nhắc về những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu gắn liền với lịch sử hình thành căn biệt thự cổ Hàng Bè. Nhiều câu chuyện trong đó cụ được cha mẹ hoặc những người làm công trong nhà kể lại.
Theo đó, căn biệt thự được xây dựng bởi cụ Trương Trọng Vọng, bố đẻ cụ Mô. Những năm 20 của thế trước, ông là một doanh nhân thầu khoán (chủ thầu xây dựng) giàu nức tiếng ở Hà Nội. Cụ Vọng là người gốc Văn Điển (Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội).
Sau nhiều năm bôn ba, chính cụ Vọng chủ động mua đất tại phố Hàng Bè để đưa đại gia đình từ quê lên thành phố sinh sống, vừa tiện cho công việc kinh doanh, vừa tạo điều kiện cho các con học tập tại các trường học của Pháp.
Tự hào khi giới thiệu lịch sử căn biệt thự cổ tại Hàng Bè, cô Thủy tiết lộ, toàn bộ công trình được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp, đi kèm là đội nhân công xây dựng lên tới gần 100 người từ các tỉnh thành gần Hà Nội. Căn biệt thự được xây miệt mài trong 1 năm mới hoàn thiện.
Cũng giống như nhiều căn nhà của bậc tư sản giàu có bấy giờ, căn nhà của gia đình cô Thủy được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, với các phòng riêng biệt và hệ thống giếng trời, sân vườn được bố trí hài hòa. Điểm nhấn trong căn biệt thự này chính là 4 cột đá nguyên khối, được chạm khắc tinh xảo các họa tiết “Đào - Cúc - Trúc - Mai” với ý nghĩa mang lại may mắn, thịnh vượng, giàu sang và sự ấm no cho gia chủ.
“Dù được xây dựng cách đây cả trăm năm nhưng thiết kế của căn biệt thự đã khá hiện đại, các phòng đã được thiết kế nhà vệ sinh khép kín, nhà tắm riêng, phòng của chủ có thêm quạt trần, sập gụ, tủ, giường bằng gỗ lim sang trọng.
Căn biệt thự có cả phòng ngủ cho từng thành viên trong gia đình, phòng dành cho khách, phòng ăn, phòng cho người ở. Tất cả các phòng được thiết kế kết nối với nhau, tạo thành một thể thống nhất. Theo lời các cụ kể lại, việc thiết kế này nhằm tạo ra sự kết nối với gia đình, để mọi người yêu thương và tương trợ lẫn nhau”, cô Thủy nói.
Hầu hết nội thất trong căn biệt thự Hàng Bè đều được nhập khẩu từ châu Âu hoặc Hồng Kông.
Theo lời cô Thủy, để hoàn thiện công trình, các cụ xưa đã phải gom gỗ quý, chủ yếu là gỗ lim cổ thụ ròng rã nhiều tháng trời. Vào thời điểm cách đây 80 năm, giá trị của một bộ bàn ghế - tủ phấn, giường ngủ nhập khẩu có thể bằng một ngôi nhà cỡ nhỏ.
Trước đây, vào mỗi dịp lễ Tết, căn biệt thự được bố trí thêm các đèn, dán tranh Đông Hồ phía bên ngoài hành lang. Ngoài ra, tại các khu vực sân nhà, ông bà cô Thủy thường trang trí thêm các cành đào, cây quất lớn để tạo không khí. Hiện tại, một số đồ nội thất trong gia đình vẫn được sử dụng cho tới ngày nay.
Trả cả trăm tỷ đồng, vẫn nhất quyết không sang nhượng biệt thự cổ
Vào đầu thập niên 50, toàn bộ gia quyến của cụ Trương Trọng Vọng di cư sang vùng đất mới. Chỉ còn lại duy nhất cụ Mô ở lại có trách nhiệm gìn giữ và coi sóc căn biệt thự Hàng Bè.
Nhiều năm qua, dù có nhiều lời mời chào sang nhượng lại căn biệt thự, có người trả giá cả vài trăm tỷ, song gia đình cụ Mô vẫn nhất quyết không đồng ý.
“Ngôi nhà như một nhân chứng lịch sử, chứng kiến những dấu ấn thăng trầm của các thành viên trong gia đình, vì thế nó như vật báu vô giá. Chúng tôi muốn giữ gìn, bảo tồn công trình để cho thế hệ mai sau hiểu hơn về văn hóa gia đình”, cô Thủy khẳng định.
Không chỉ nằm vị trí đất vàng đắc địa ở Hà Nội, căn biệt thự Hàng Bè còn được đánh giá cao về giá trị thẩm mỹ, lịch sử. Trong thời gian qua, công trình thu hút rất đông du khách cả trong và ngoài nước tìm đến tham quan, chiêm ngưỡng. Nơi đây cũng từng được chọn làm bối cảnh trong nhiều bộ phim nổi tiếng của Việt Nam.
Trong đó, bộ phim đầu tiên được quay tại đây là “Mùa đông Hà Nội năm 46” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, sản xuất vào năm 1997. Về sau, hàng loạt bộ phim điện ảnh khác như: Hương ngọc lan, Hoa xương rồng, Khép mắt chờ ngày mai, Hai người mẹ,... cũng lấy bối cảnh ở đây.
Hồi tưởng lại quá khứ, cô Thủy kể: “Mẹ mình (cụ Mô - PV) là người rất thân thiện, hòa đồng và coi tất cả đoàn làm phim như con cháu trong nhà, nên rất nhiều đạo diễn, diễn viên, ca sĩ sau khi thực hiện xong bộ phim, thi thoảng vẫn quay về thăm và thường xuyên hỏi thăm sức khỏe của cụ. Ví dụ như diễn viên Chiều Xuân, hay đạo diễn Đặng Nhật Minh”.
Trong hàng trăm đoàn tới đây quay phim, cô Thủy cho biết kỷ niệm đáng nhớ nhất là một đoàn đến từ Canada. “Trước khi tới nhà mình, đoàn của họ cũng đã khảo sát nhiều ngôi nhà khác trong khu vực Phố cổ Hà Nội.
Thế nhưng, khi tới đây, họ rất ngạc nhiên tại sao ngôi nhà vẫn đẹp và còn giữ được nguyên vẹn như thế. Thậm chí, mẹ mình có hỏi, có nên sửa lại nhà cho mới không, họ còn khẳng định rằng, căn biệt thự này quá đẹp rồi, không cần phải sửa gì hết, chỉ cần giữ gìn cho đời sau thôi”, cô Thủy cười nói.
Hiện tại, căn biệt thự vẫn được người nhà cô Thủy cho thuê làm địa điểm chụp ảnh cưới, hay cho thuê địa điểm làm phim. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến giờ mọi hoạt động đều tạm thời bị dừng lại.
“Gia đình luôn tạo điều kiện cho các đoàn khách, làm phim… đến tham quan, lấy bối cảnh diễn xuất vì cũng mong muốn giới thiệu kiến trúc độc đáo của căn nhà cho mọi người. Dù cũng hơi bất tiện, nhưng cả đại gia đình đều vui, tự hào khi thấy công trình của mình được xuất hiện trước công chúng”, cô Thủy kể.
(Theo Dân trí)